Cà Mau tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm

THÙY LINH 25/05/2023 08:54

Trước tình hình xuất khẩu tôm của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tỉnh Cà Mau đã triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất.

>> Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

Năm 2023, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 640.000 tấn, tăng 2,9% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 405.000 tấn, tăng 4,9%/năm (sản lượng tôm 233.000 tấn, tăng 6,7% so với năm 2022).

Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chủ trì cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh.

05 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 266.400 tấn, đạt 41,64% so với kế hoạch, tăng 4,10% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 168.500 tấn, đạt 41,60% so với kế hoạch, tăng 5,84% so với cùng kỳ (sản lượng tôm 99.200 tấn, đạt 42,58% kế hoạch, tăng 5,76% cùng kỳ). Tổng diện tích nuôi tôm đến thời điểm hiện nay hơn 278.480 ha.

Hoạt động thu mua tôm nguyên liệu diễn ra bình thường từ đầu năm, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các thương lái lựa chọn mua tôm khá khắc khe, các yêu cầu về kích cỡ tôm, màu sắc tôm, tôm không nhiễm kháng sinh... luôn được đưa ra và làm điều kiện để điều chỉnh giá giảm so với giá thỏa thuận ban đầu.

Theo kết quả rà soát, cập nhật giá tôm ngày 21/5/2023 đang biến động theo chiều hướng giảm. So với cùng kỳ năm 2022, giá tôm giảm sâu nhất là loại tôm sú 40 con/kg (giảm 45.000 đồng), tôm sú loại 30 con/kg giảm 35.000 đồng; tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg giảm 32.000 đồng, tương tự giảm từ 15.000 đồng – 31.000 đồng/kg đối với các zise từ 100 – 25 con/kg. 

Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Trong những tháng đầu năm 2023 giá tôm ở mức cao, đỉnh điểm vào tháng 3, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 104.000 đồng/kg, tương tự các size tôm từ 70 – 20 con/kg đều ở mức cao.

Tuy nhiên, giá tôm bắt đầu giảm trong tháng 4 và kéo dài đến thời điểm hiện tại. Ngày 21/5/2023, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg ở mức 80.000 đồng/kg, loại 20 con/kg ở mức 198.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg đạt mức 120.000 đồng/kg, loại 20 con/kg đạt 230.000 đồng/kg.

Kim ngạch xuất khẩu giảm 29,39%

Kim ngạch xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm nay giảm 29,39% so với cùng kỳ.

Dự báo trong tuần tới giá tôm tiếp tục giảm, nguyên nhân chính là các nhà máy chế biến xuất khẩu không xuất được hàng, hàng tồn kho nhiều. Theo thống kê giá tôm qua nhiều năm cho thấy, giá tôm giảm sâu nhất trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 7, sau đó tăng dần trở lại cho đến cuối năm.

Trong 05 tháng đầu năm 2023, sản lượng chế biến tôm của tỉnh đạt hơn 87.000 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lượng hàng trữ tại kho tính từ đầu tháng 5 đến nay khoảng 24.540 tấn, trong đó có khoảng 20.640 tấn tôm. Kim ngạch xuất khẩu giảm 29,39%; giá xuất khẩu tôm sú giảm 5,18% và giá xuất khẩu tôm thẻ giảm 12,54% so với cùng kỳ. 

Ông Phan Văn Tâm, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết: Trước tình hình khó khăn như hiện nay, lãnh đạo của công ty vẫn chỉ đạo thu mua tôm và chúng tôi sẽ không từ chối nguồn tôm của bà con. Hiện tại, mỗi ngày lượng tôm chúng tôi thu mua đạt từ 100 – 150 tấn và có thời điểm đạt gần 200 tấn.

Lợi thế cạnh tranh nhiều nhất của Cà Mau là tôm có chứng nhận ASC, BAP. Hiện nay, Minh Phú đã xây dựng tại Cà Mau được vùng nuôi tôm - rừng mấy ngàn ha, tôm lúa chứng nhận ASC khoảng vài trăm ha. Tuy nhiên, so với nhu cầu trên thị trường hiện nay còn rất thấp. Vì vậy, trong chiến lược trung và dài hạn sắp tới cần mở rộng thêm vùng tôm nuôi sinh thái, tôm nuôi có chứng nhận ASC, BAP… để tạo lợi thế cạnh tranh của con tôm Cà Mau trên thị trường.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm, vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức họp đánh giá nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tôm nguyên liệu thu mua với giá thấp, xuất khẩu gặp khó và triển khai giải pháp tháo gỡ.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các ngành có liên quan nắm bắt giá tôm để tổ chức sản xuất hiệu quả.

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu được nhận định do hiện đang vào mùa vụ nuôi tôm chính không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác như: Ecuador, Ấn Độ,... nên sản lượng tôm cung cho thị trường là rất lớn, đồng thời chi phí sản xuất thấp, nên giá bán ra của tôm nuôi ở các quốc gia thấp nhiều so với tôm nuôi tại Việt Nam (thấp hơn từ 15-20%).  Tác động của dịch Covid-19, các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu đang lạm phát ở mức cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa giảm.

Ngoài ra, các công ty chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung chịu ảnh hưởng và tác động rất lớn của thị trường thế giới, nhất là việc thu mua nguyên liệu đầu vào, nên để cạnh tranh, ký kết hợp đồng xuất khẩu tôm vào các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… các đơn vị chế biến xuất khẩu phải giảm giá thu mua nguyên liệu có được hợp đồng xuất khẩu…

Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau nhận định: Hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… được kỳ vọng là “đòn bẩy” cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2023. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cũng đối mặt nhiều khó khăn và thách thức khi tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn vẫn duy trì ở mức cao, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt…

Phát biểu tại cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau mới đây, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Sở Công Thương và các ngành có liên quan nắm bắt giá tôm để tổ chức sản xuất hiệu quả; các doanh nghiệp phối hợp với ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cùng đơn vị thu mua cân đối hợp lý giá tôm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Cà Mau và các Ngân hàng thương mại trong tỉnh cần hỗ trợ cho doanh nghiệp và người sản xuất tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn. Sở Công Thương tăng cường xúc tiến với các tỉnh, thành phố lớn nhằm liên kết tiêu thụ tôm trong tỉnh.

Ngoài ra, trong sản xuất cần tính toán kỹ chi phí đầu vào; ngành nông nghiệp và các huyện cần rà soát kỹ vùng nuôi, có sự liên kết giữa người nuôi với đơn vị thu mua, chế biến; giảm khâu trung gian trong thu mua tôm và kiểm soát đảm bảo chất lượng tôm. Đồng thời, cần có giải pháp tăng sản lượng nuôi tôm quảng canh cải tiến trong thời gian tới…

Có thể bạn quan tâm

  • Bamboo Airways thực hiện thành công chuyến bay kỹ thuật tới Cà Mau

    Bamboo Airways thực hiện thành công chuyến bay kỹ thuật tới Cà Mau

    13:22, 20/04/2023

  • Định vị Cà Mau trên “bản đồ” chuyển đổi số

    Định vị Cà Mau trên “bản đồ” chuyển đổi số

    03:36, 18/02/2023

  • Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

    Cà Mau tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

    07:19, 13/10/2022

  • Cà Mau kiến nghị nâng cấp, mở rộng đường về Đất Mũi

    Cà Mau kiến nghị nâng cấp, mở rộng đường về Đất Mũi

    08:18, 27/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cà Mau tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO