Singapore "khát" năng lượng xanh, cơ hội lớn cho các nước ASEAN
Singapore phải nhập khẩu năng lượng sạch từ các nước láng giềng ASEAN để hiện thực hóa mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0.
>> Singapore hỗ trợ xây dựng lưới điện xanh ASEAN như thế nào?
Khi phần lớn thế giới chuyển sang các nguồn năng lượng sạch để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, Singapore phải đối mặt với một câu hỏi lớn về khoản đầu tư vào năng lượng hydro. Quốc gia này đang đặt nhiều hy vọng vào sản xuất hydro để giúp hạn chế phát thải, tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi về loại hydro mà họ sẽ sử dụng.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở nhiên liệu mà Singapore lựa chọn cho ngành điện của quốc gia này. Khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 95% nhiên liệu cần thiết để sản xuất điện. Năng lượng tái tạo chỉ chiếm chưa đến 3% hỗn hợp năng lượng của nước này. Chỉ vài năm trước, khí đốt được coi là "nhiên liệu sạch" nhưng nhiều nghiên cứu hiện cho thấy điều ngược lại.
Khi được sử dụng cho ngành điện, khí đốt vẫn thải ra ít nhất một nửa lượng khí thải carbon so với than. Bên cạnh đó, khí thải có hại từ các dự án điện chạy bằng khí đốt cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Nhưng thiệt hại không dừng lại ở đó. Nhiên liệu này cũng có vấn đề về rò rỉ khí mê-tan trong các khâu, từ khai thác đến sản xuất, vận chuyển dọc theo đường ống hoặc bằng tàu chở hàng trên biển, tại các nhà máy điện và cuối cùng là người dùng cuối. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, khí mê-tan có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển mạnh hơn carbon gấp 25 lần. Đáng chú ý, khoảng 40% lượng khí thải của Singapore đến từ ngành điện của nước này.
Singapore đã xây dựng Chiến lược Hydrogen Quốc gia vào năm 2022 để giúp giảm phụ thuộc quá mức vào khí đốt. Kế hoạch này kêu gọi sử dụng năng lượng hydro như một "con đường khử cacbon chính" để giúp nước này đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, chiến lược này không rõ ràng vì tham chiếu đến "hydro sạch" có thể là hydro xanh lá hoặc hydro xanh dương. Hydro xanh lá được được sản xuất bằng phương pháp điện phân từ các nguồn năng lượng tái tạo và không thải ra khí carbon, trong khi hydro xanh dương có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là khí đốt và có lượng khí thải đáng kể.
Sự mơ hồ về vấn đề này đã dẫn đến sự chỉ trích từ các nhà phân tích và các nhóm môi trường trong và ngoài nước. Do đó, Singapore đang xem xét công nghệ lưu trữ thu giữ carbon (CCS) để giải quyết vấn đề khí thải từ quá trình sản xuất hydro xanh. Tuy nhiên, việc phát triển CCS ngày càng bị cho là làm sai lệch nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Các vấn đề với công nghệ này ngày càng tăng như tiêu tốn nhiều năng lượng, trong khi hầu hết các cơ sở CCS đang hoạt động đều không đạt được mục tiêu giảm phát thải tương ứng. Các dự án CCS thu giữ và lưu trữ carbon dưới lòng đất cũng có thể bị rò rỉ.
Theo Tim Daiss, nhà phân tích thị trường năng lượng, Singapore nên tập trung nhiều hơn vào hydro xanh lá trong khi hạn chế sản xuất và nhập khẩu hydro xanh dương trong tương lai.
Tuy nhiên, hydro xanh lá là giải pháp lâu dài và vẫn có chi phí quá cao. Ngoài ra, các lựa chọn năng lượng mặt trời và gió của Singapore bị hạn chế vì diện tích đất khả dụng thấp, cùng với tốc độ gió thấp và mật độ đô thị cao. Thủy điện cũng không phải là một giải pháp vì Singapore không có nguồn tài nguyên sông đáng kể.
>> Chiến lược bán dẫn của Singapore (Kỳ I): "Bước đi" khác người
Tương tự như vậy, các nguồn năng lượng sáng tạo khác cũng không được tính đến. Không thể sử dụng năng lượng sóng vì hầu hết bờ biển Singapore đã được sử dụng cho các cảng biển, trong khi năng lượng thủy triều cũng không khả thi vì nơi đây có biên độ thủy triều thấp.
Do đó, chuyên gia Daiss cho rằng Singapore sẽ phải dựa vào nguồn nhập khẩu hydro xanh lá trong nhiều năm tới, thông qua việc ký kết nhiều thỏa thuận cung cấp năng lượng sạch với các nước láng giềng. Để đạt được mục tiêu đó, Singapore đang thực hiện các bước đầu tiên với một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Vào năm 2023, Singapore đã trao giấy phép nhập khẩu điện có điều kiện cho Dự án Điện gió ngoài khơi của Việt Nam xuất khẩu điện sang Singapore của Liên danh Sembcorp Utilities, một đơn vị của Sembcorp Singapore, và đơn vị thành viên của PetroVietnam là Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).
Nước láng giềng Indonesia cũng là một bên cung cấp nguồn năng lượng sạch đầy hứa hẹn. Vào tháng 9, Cơ quan thị trường năng lượng Singapore đã phê duyệt có điều kiện cho 5 công ty nhập khẩu 2 gigawatt điện carbon thấp từ Indonesia. Phê duyệt có điều kiện là bước đầu tiên để có được các giấy phép cần thiết cho các dự án được tiến hành. Các dự án khác đang được xem xét tại Indonesia bao gồm một nhà máy điện mặt trời và các nhà máy sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin. Hoạt động có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2027.
Nhập khẩu điện được sản xuất sạch từ các nước láng giềng trong khu vực sẽ giúp Singapore đạt được các mục tiêu phi carbon cũng như cung cấp cho các nước xuất khẩu năng lượng tái tạo động lực và nguồn vốn để thúc đẩy các lĩnh vực năng lượng tái tạo của riêng họ.
Đồng thời, đây cũng là cách thức để khu vực này chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Một tình huống đôi bên cùng có lợi cho tất cả những người tham gia và giúp Singapore quản lý được tình thế khó khăn về nguồn cung năng lượng.
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược bán dẫn của Singapore (Kỳ I): "Bước đi" khác người
04:00, 24/07/2024
"Giải mã" sức hút doanh nghiệp AI của Singapore
03:40, 21/07/2024
Singapore trở thành trung tâm AI của Đông Nam Á
03:00, 06/07/2024
Để vươn ra toàn cầu công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đua nhau chuyển đến Singapore
13:38, 04/07/2024
Singapore hỗ trợ xây dựng lưới điện xanh ASEAN như thế nào?
03:30, 01/07/2024