Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Xác định nông nghiệp vừa là lợi thế, vừa là ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị cao và bền vững.
Việc tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đưa ngành nông nghiệp Lâm Đồng có bước phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng cao và giá trị sản xuất vượt trội so với mặt bằng chung của cả nước.
Điểm sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đà Lạt không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thơ mộng mà còn là một điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Thành công này đạt được nhờ sự quản lý chặt chẽ và định hướng đúng đắn từ các cơ quan chức năng của thành phố và của tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Lạt, thành phố đã có nhiều văn bản, chương trình và kế hoạch cụ thể được ban hành nhằm chỉ đạo, triển khai các hoạt động phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã được giao phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện thẩm định và đầu tư cho các chương trình dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, cũng như kiểm tra và giám sát chất lượng nông sản trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, TP Đà Lạt thường xuyên tổ chức tập huấn và hội thảo để chuyển giao kiến thức khoa học và kỹ thuật cho người dân, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Thành phố đã thực hiện chuyển giao kiến thức khoa học và kỹ thuật thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tổ chức tham quan và học tập các mô hình, tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê, bọ xít muỗi, kỹ thuật nuôi heo nái sinh sản, kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, một số kỹ thuật trồng và chăm sóc rau theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, kỹ thuật trồng hoa cắt cành chất lượng cao và nhiều mô hình khác.
Nhờ vào việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Đà Lạt đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản, sản phẩm nông nghiệp, như: Làng hoa Vạn Thành được công nhận là Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa; Mô hình trồng dâu tây công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều người dân tham gia; Mô hình trồng ớt ngọt trên giá thể tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm…
Nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa XI (2020-2025) đã xác định rõ: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến ngành Nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế”.
Ngày 27/10/2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 21- NQ/TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định số 661/QĐ-UBND, ngày 28/3/ 2023 triển khai Nghị quyết số 21- NQ/TU. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 của ngành nông nghiệp đạt 4,5 - 5%/năm. Tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35 - 36,5% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất bình quân 260 triệu đồng/ha/năm; có trên 25% diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có ít nhất 1.000 ha nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; 1.600 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2024, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt 69.011 ha, chiếm 21% diện tích đất canh tác, tăng 2.128 ha so với năm 2023. Trong đó: rau các loại 25.951 ha, hoa 3.277 ha, chè 3.559 ha, cà phê 20.411 ha, lúa chất lượng cao 5.045 ha, cây ăn quả 10.185 ha, cây dược liệu 181 ha, sản xuất nấm 22 ha và các cây trồng khác (vườn ươm, dâu tây, phúc bồn tử, ...) 380 ha. Số lượng liên kết sản xuất đạt 253 chuỗi, với sự tham gia của 195 doanh nghiệp, 108 hợp tác xã và 33.000 hộ tham gia; tổng diện tích liên kết 54.000 ha, sản lượng sản phẩm trồng trọt tiêu thụ qua chuỗi 589.261 tấn.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu chung là tập trung xây dựng mô hình và phát triển quy mô lớn theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, môi trường và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục mở rộng phạm vi, địa bàn ứng dụng các loại hình công nghệ cao, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, từng bước phát triển nông nghiệp tuần hoàn...
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã và đang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn; phấn đấu năm 2025, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 71.200 ha và diện tích ứng dụng công nghệ thông minh khoảng 1.000 ha; tiếp tục đầu tư, phát triển các vùng ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu hết năm 2025 có 19 vùng và trên 20 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được công nhận.
Có thể bạn quan tâm