Lâm Đồng luôn phấn đấu để có được môi trường đầu tư công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.
Lâm Đồng thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước tại địa phương, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo kết quả đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp (Cổng dịch vụ công quốc gia) trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng xếp thứ 10/63 tỉnh, thành. Tỷ lệ về hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết (toàn trình và một phần) đạt 75,23%.
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G, triển khai thí điểm 6 điểm phát sóng 5G. Cùng với đó, toàn tỉnh đã thành lập được 142 tổ công nghệ số cộng đồng đơn vị cấp xã, trên 1.360 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố với tổng số gần 10.000 thành viên, nhằm kịp thời hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công, tiếp cận, sử dụng và hướng dẫn nộp và tra cứu hồ sơ nộp trực tuyến, ứng dụng định danh điện tử - VNeID. Tỉnh cũng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng...
Không chỉ người dân, cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng cũng đã được hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ, từ việc số hóa các quy trình quản trị kinh doanh đến ứng dụng công nghệ, sản xuất, đổi mới sáng tạo, giao dịch thương mại. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 13.000 doanh nghiệp, trong đó, hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, 500 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm hàng hóa đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của mạng xã hội để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh...
Quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong triển khai chuyển đổi số là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy mạnh mẽ xã hội số, chính quyền số và kinh tế số phát triển bền vững. Cuối năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC tỉnh Lâm Đồng. Hiện các huyện, thành phố của tỉnh đều đã vận hành Trung tâm IOC, đưa công cuộc chuyển đổi số của tỉnh sang một giai đoạn mới, đi vào thực chất khi mà các điều kiện vật chất đã được thiết lập thành một hệ sinh thái số khắp toàn tỉnh, thúc đẩy chính quyền số và kinh tế số phát triển bền vững.
Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua, Lâm Đồng đang nỗ lực tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tỉnh đã ban hành các văn bản, chỉ thị chỉ đạo thực hiện các lĩnh vực cải cách hành chính, siết chặt kỷ cương công vụ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo và làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công dự án. Các địa phương đã chủ động rà soát quỹ đất, các khu vực có khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đề xuất dự án hoặc lập quy hoạch.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã cắt giảm được 111 thủ tục hành chính. Các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện tốt việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc và tham mưu. Tỉnh duy trì tốt các chương trình “Đối thoại về cải cách hành chính”; tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ 1 lần/tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp nêu trên đã được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao vai trò, tính sáng tạo, quyết đoán của người đứng đầu trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ I năm 2024 mới đây, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng Nguyễn Thái Học khẳng định: Chính quyền tỉnh Lâm Đồng quyết tâm thống nhất và cam kết đồng hành với doanh nghiệp từ trong nhận thức đến hành động. Tỉnh Lâm Đồng luôn phấn đấu để có được môi trường đầu tư công khai, minh bạch, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật…
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường để thu hút đầu tư trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục tập trung duy trì tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả Kế hoạch số 7194/KH-UBND, ngày 17/8/2023 của UBND tỉnh nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Lâm Đồng hiện có trên 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 162.000 tỷ đồng. Mỗi năm, địa phương có gần 1.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 15.000 doanh nghiệp, đến năm 2030 có trên 20.000 doanh nghiệp. |
Có thể bạn quan tâm