Mức lương khi chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng
Tiền lương trả cho người lao động trong thời gian tạm thời chuyển làm công việc khác so với hợp đồng lao động được pháp luật quy định như thế nào?
>>>Tiền lương ngừng việc được pháp luật quy định như thế nào?
Bộ luật Lao động 2019 (số 45/2019/QH14) được Quốc hội khóa XIV (Kỳ họp thứ 8) thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Năm 2020, Chính phủ, Bộ LĐTBXH đã ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được những nội dung thay đổi quan trọng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thời gian qua Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) và các văn bản hướng dẫn.
Tuy nhiên, do Bộ luật với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung, thêm vào đó một số quy định lại chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn đến doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong triển khai, áp dụng. Với mong muốn góp phần xây dựng NQLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, VCCI trân trọng giới thiệu một số tình huống tập trung vào một số quy định của BLLĐ 2019 và NĐ 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ đến các doanh nghiệp và độc giả.
Quy định pháp luật về tiền lương trả cho người lao động trong thời gian tạm thời chuyển làm công việc khác so với hợp đồng lao động
Theo khoản 3, khoản 4 Điều 29 BLLĐ 2019 quy định về tiền lương khi tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động như sau:
“3. Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu."
4. Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật này."
Như vậy, pháp luật đã quy định khá rõ về tiền lương trả cho người lao động (NLĐ) trong thời gian tạm thời điều chuyển làm công việc khác so với hợp đồng lao động để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện khi phát sinh tình huống tạm thời điều chuyển công việc của NLĐ trong thực tế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý phân biệt trường hợp tạm thời điều chuyển NLĐ làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo Điều 29 BLLĐ 2019 (trường hợp nêu trên) với trường hợp hai bên thỏa thuận sửa đổi bổ sung hợp đồng lao động theo Điều 33 BLLĐ 2019. Theo đó, đối với trường hợp hai bên thỏa thuận sửa đổi bổ sung hợp đồng lao động bằng cách ký phụ lục hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động mới (theo Điều 33 BLLĐ 2019) thì hai bên thỏa thuận về mức tiền lương tương ứng với công việc mới trong phụ lục hợp đồng lao động/hợp đồng lao động mà không cần tuân thủ khoản 3 Điều 29 BLLĐ 2019.
Ví dụ về tiền lương trả cho người lao động trong thời gian tạm thời chuyển làm công việc khác so với hợp đồng lao động
Theo hợp đồng lao động, chị A làm việc cho Công ty X với vị trí nhân viên kinh doanh. Tuy nhiên do Phòng Truyền thông đang thiếu hụt nhân sự trong đợt chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới, vì vậy chị A bị điều chuyển sang vị trí nhân viên truyền thông trong vòng 60 ngày làm việc liên tục. Mức lương đối với vị trí nhân viên kinh doanh là 13.000.000 đồng/tháng, mức lương đối với vị trí mới là 10.000.000 đồng/tháng (tiền lương tháng của công ty X được tính cho 26 ngày làm việc).
Vì mức lương của công việc mới thấp hơn công việc cũ nên trong 30 ngày làm việc đầu tiên, chị A được trả: 13.000.000/26 x 30 = 15.000.000 đồng
Vì mức lương của công việc mới thấp hơn 85% mức lương công việc cũ nên trong 30 ngày làm việc sau đó, chị A được trả: (13.000.000 x 85%)/26 x 30 = 12.750.000 đồng
Còn nữa...
Có thể bạn quan tâm