Vay tiêu dùng “rộng cửa”
Dư nợ cho vay tiêu dùng hiện đang chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế, và đang có cơ hội để đẩy tăng trưởng dư nợ tốt hơn với các chính sách mới.
>>>Có nên khống chế lãi vay tiêu dùng?
Các tổ chức tín dụng dự báo năm 2024, dự kiến nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng “tăng” so với năm 2023 là 79,4% (thấp hơn tỷ lệ 82% của kỳ điều tra trước), theo Vụ Dự báo Thống kê (NHNN).
Đáng chú ý trong 6 tháng cuối năm 2024, xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng được nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng hơn so với 6 tháng đầu năm 2024, dự kiến “nới lỏng” đối với tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết các lĩnh vực.
Nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng cũng đang được kỳ vọng áp dụng với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, trong bối cảnh các chính sách tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng vừa chính thức có hiệu lực.
Một trong những chính sách như vậy là Thông tư 12/2024/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Tại Thông tư này, có quy định các ngân hàng (NH) thương mại cho vay đối với những khoản vay có giá trị nhỏ (không quá 100 triệu đồng) không cần phương án sử dụng vốn khả thi. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định đây là cơ chế mới so với trước đây, tạo điều kiện thông thoáng trong tiếp cận vốn tín dụng của NH thương mại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
>>> Nợ xấu trong xu hướng tăng: Công khai để có trách nhiệm xử lý
Bổ sung thông tin về việc áp dụng Thông tư 12, bà Nguyễn Linh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho biết quy định này nhằm phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế tín dụng đen. Theo bà Phương, việc quy định không làm ảnh hướng đối với chất lượng vay bởi trước trước khi quyết định cho vay vốn và quá trình giải ngân, các TCTD chủ động kiểm tra giám sát vốn vay.
Ngoài ra, một yếu tố hết sức thuận lợi đối với cho vay tiêu dùng, thực hiện theo Đề án 06, NHNN và Bộ Công an cùng cho biết đến nay, đến hết ngày 22/7/2024, đã có 26,3 triệu HSKH được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip; có 22 TCTD và 13 tổ chức trung gian thanh toán đang triển khai ứng dụng VNeID cho 03 luồng quy trình nghiệp vụ chính, gồm: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên đã golive với hơn 600.000 hồ sơ tài khoản.
Hẳn không phải ngẫu nhiên mà rủi ro tín dụng (RRTD) của các khoản vay đầu tư kinh doanh bất động sản có tỷ lệ TCTD đánh giá “tăng” cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2024, tiếp theo là rủi ro tín dụng của khoản vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Sự thắt chặt sẽ không cần thiết trong bối cảnh chủ trương đẩy vốn tín dụng phải đáp ứng sát “hơi thở đời sống” lẫn tranh thủ nhịp nhu cầu vốn tăng lên trong nền kinh tế, song phân loại và kiểm soát trong cho vay tín dụng tiêu dùng khoản nhỏ đúng mục đích chi tiêu, sẽ góp phần tăng kiểm soát chất lượng và tăng trưởng tín dụng thực chất.
Có thể bạn quan tâm
Vay tiêu dùng chưa hết cơ hội
04:05, 14/04/2024
Nhu cầu vay tiêu dùng bất động sản sẽ tăng trở lại?
02:00, 13/07/2024
Vay tiêu dùng sẽ sớm phục hồi
03:50, 16/03/2024
Giải pháp thúc đẩy cho vay tiêu dùng trong năm 2024
05:08, 02/01/2024
Nhiều TCTD cắt giảm cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu phát sinh
16:04, 16/11/2023