Nhu cầu vay tiêu dùng bất động sản sẽ tăng trở lại?

VI ANH 13/07/2024 02:00

Trong những tháng đầu năm 2024, tín dụng cho vay mua nhà của nhiều ngân hàng liên tục sụt giảm, điều này cho thấy dòng vốn đang có sự phân hóa rõ rệt.

 Người dân tìm hiểu thông tin vay mua nhà ở tại ngân hàng. Ảnh: Nam Anh

Người dân tìm hiểu thông tin vay mua nhà ở tại ngân hàng. Ảnh: Nam Anh

>> Bất động sản dẫn đầu dòng tín dụng

Nhu cầu vay mua nhà đất giảm

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, tăng trưởng tín dụng bán lẻ của ngân hàng này bị ảnh hưởng, do việc cho vay mua nhà sụt giảm. Trên thực tế, thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn về pháp lý, nguồn cung hạn chế, thu nhập người dân sụt giảm… khiến tâm lý xuống tiền mua nhà vào thời điểm này bị hạn chế.

Tại ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), trong nửa đầu năm 2024, trái ngược với tín dụng doanh nghiệp thì tín dụng cá nhân vẫn tăng trưởng âm. Hay như MB cũng ghi nhận lượng vay mua nhà của người dân ở mức thấp.

Theo báo cáo vào tháng 4 của NHNN gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội 2015 – 2023, dư nợ cho vay vốn tiêu dùng - sử dụng bất động sản chỉ tăng hơn 1% năm 2023, mức thấp nhất 5 năm qua. Trái ngược, tín dụng vay kinh doanh tăng hơn 35% trong năm 2023.

Điều này cho thấy sự chênh lệch về nhu cầu vốn giữa các nhà phát triển và người mua nhà. Dòng tín dụng đang chảy về phía cung của thị trường bất động sản trong khi người dân không có nhu cầu vay vốn mua nhà đất.

Ông Lê Bảo Long - Giám đốc chiến lược của Batdongsan.com.vn cho biết, hiện thị trường vẫn còn đang trong trạng thái chờ đợi và phần lớn người mua nhà cần thêm những tín hiệu tích cực rõ nét hơn nữa trước khi quyết định xuống tiền. “Người mua vẫn kỳ vọng giá sẽ giảm và các chính sách điều hành cũng như thay đổi mới về luật sẽ làm thị trường tích cực hơn. Tâm lý chờ đợi vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường địa ốc nửa đầu năm nay", ông Long nói.

>> Ngân hàng “mở cửa” cho bất động sản

Kích cầu tín dụng bất động sản

Bởi vậy, các chuyên gia kỳ vọng nhu cầu vay vốn đầu tư bất động sản sẽ có sự cải thiện khi ba luật (Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024) có hiệu từ 1/8 tới. Mức lãi suất cho vay hiện nay của các ngân hàng đang được giữ ở mức thấp là điều kiện tốt để thị trường bất động sản phục hồi.

Tại các ngân hàng quốc doanh như Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV, mức lãi suất cho vay mua nhà, đất dao động từ 5 - 7%/năm. Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà cũng dao động từ hơn 4 - 8%/năm.

Theo ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc ngân hàng Quân đội (MB), các nhà băng cũng đã hạ lãi suất sâu nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Với chi phí vốn thấp sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, do đó các ngân hàng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ lãi suất cho vay ở mức thấp.

Ngoài ra, khi các vấn đề pháp lý được giải quyết, ông Ánh cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Nguồn cung được cải thiện sẽ khuyến khích người dân tìm kiếm cơ hội mua nhà, đổi nhà và là động lực để tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn.

Để đón đầu cho làn sóng mua bất động sản sau khi ba luật có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng, cần thêm các trợ lực như gói vay có thời hạn dài hơn, lãi suất ổn định hơn để giảm thiểu nguy cơ cho người đi vay.

Về mặt giải pháp, trong Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, NHNN và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng và khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, nhất là các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương...

Theo đó, NHNN đang đề xuất sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn. Do gói tín dụng này mới chỉ giải ngân được dưới 1% nên nếu có thêm những biện pháp kích cầu phù hợp, tín dụng tiêu dùng bất động sản sẽ có cơ hội tăng trở lại.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế nhận định, bất động sản vẫn là kênh đẩy vốn quan trọng nhất hiện nay của các ngân hàng, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, phân khúc nhà ở xã hội vẫn đang đối mặt với những rào cản quy định về đối tượng, thủ tục…, khiến người có khả năng mua nhà không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua loại hình này lại không có khả năng thanh toán.

Do đó, theo ông Nghĩa, cần thiết kế lại chính sách theo hướng đẩy mạnh nhà ở giá rẻ bên cạnh phát triển nhà ở xã hội, nhằm gia tăng nguồn cung phù hợp với tình hình tài chính của người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Dư nợ tín dụng bất động sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng

    Dư nợ tín dụng bất động sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng

    12:03, 17/01/2024

  • Tín dụng bất động sản sẽ khởi sắc

    Tín dụng bất động sản sẽ khởi sắc

    02:30, 03/02/2024

  • Kỳ vọng “gỡ van” tín dụng bất động sản

    Kỳ vọng “gỡ van” tín dụng bất động sản

    03:00, 10/01/2024

  • Gỡ khó tín dụng bất động sản: Kỳ vọng vào khung pháp lý điều chỉnh

    Gỡ khó tín dụng bất động sản: Kỳ vọng vào khung pháp lý điều chỉnh

    05:30, 14/11/2023

  • Chất lượng tín dụng bất động sản tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý

    Chất lượng tín dụng bất động sản tiềm ẩn những rủi ro cần chú ý

    09:34, 13/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhu cầu vay tiêu dùng bất động sản sẽ tăng trở lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO