Hải Phòng: Ưu tiên phát triển hạ tầng kết nối liên vùng

ĐAN THANH 27/07/2024 10:40

Hải Phòng ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.

>>> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đặc biệt đến phát triển kinh tế Hải Phòng

Chiều 26/7, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã có chuyến kiểm tra thực địa và nghe báo cáo phương án triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Đỗ Mười với đường ra đảo Vũ Yên.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng kiểm tra thực địa và nghe báo cáo phương án triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường nối đường Đỗ Mười với đường ra đảo Vũ Yên

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiểm tra thực địa và nghe báo cáo phương án triển khai Dự án 

Theo đó, tuyến đường có chiều dài khoảng 2,4 km, chiều rộng nền đường là 36m,  dải phân cách giữa rộng 4m cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng đồng bộ… Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng. Diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 8,64 ha thuộc địa bàn 2 xã Dương Quan và An Lư, huyện Thủy Nguyên. Thời gian thực hiện từ 2024 - 2027.  

Hiện nay, các tuyến trục Bắc - Nam kết nối Thủy Nguyên với trung tâm thành phố cơ bản đảm bảo theo quy hoạch, tuy nhiên hướng kết nối theo hướng Đông - Tây còn nhiều hạn chế (mới có duy nhất tuyến đường 9C). Do đó, giao thông theo hướng từ Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Khu Công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên về trung tâm thành phố chủ yếu theo hướng đường vòng 9C - Máng Nước - Đỗ Mười - cầu Hoàng Văn Thụ. Trục đường Bắc Nam qua cầu Nguyễn Trãi, đường kết nối đảo Vũ Yên đã được xây dựng nhưng chưa kết nối với đường Đỗ Mười, khu Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố (Bắc Sông Cấm). 

Mặt khác, khu tái định cư Bắc Sông Cấm và dân cư khu vực phía Bắc xã An Lư khi kết nối với Trung tâm Chính trị - Hành chính mới đang đi trên đường ngõ xóm nhỏ hẹp, khó khăn. Do đó, việc đầu tư tuyến đường nối đường Đỗ Mười với đường Bắc Nam, đường ra đảo Vũ Yên nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối khu vực khu Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, chia sẻ lưu lượng giao thông giữa cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Nguyễn Trãi. Đồng thời, góp phần chỉnh trang đô thị khu vực lân cận, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.

Sơ đồ tuyến đường

Sơ đồ tuyến đường kết nối đến các khu vực trung tâm Chính trị - Hành chính tại Hải Phòng

Sau khi nghe ý kiến các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP giao huyện Thủy Nguyên làm Chủ đầu tư Dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2024 - 2025 để thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Khu Công nghiệp VSIP rà soát diện tích đất đã giao, diện tích đất đã GPMB, đề xuất phương án. 

Chủ tịch UBND TP đề nghị Khu Công nghiệp VSIP đồng thuận với chủ trương của thành phố về việc đầu tư Dự án; Tập đoàn Vingroup sớm nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng cầu Vũ Yên 2. Các đơn vị hoàn thành thủ tục trình HĐND thành phố vào tháng 9 năm nay và dự kiến khởi công vào giữa năm 2025.

Trước đó, tại Hội nghị công bố Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Hải Phòng nỗ lực đổi mới sáng tạo, tận dụng và phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 để tìm ra con đường đổi mới và phát triển hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Thành phố cần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Quy hoạch thành phố Hải Phòng cần tích hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng về xây xây dựng, mạng lưới đô thị, nông thôn, phân khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật… nhằm đem đến hình dáng phát triển rõ ràng hơn trong tương lai", Phó Thủ tướng trao đổi và lưu ý "sớm xác định một số công việc phải làm ngay để thực hiện Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị".

Trong đó, ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn,...

"Những ý tưởng, tầm nhìn của thành phố cần sớm đặt trong mối quan hệ của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối với với các vùng khác và quốc tế, với các dự án hạ tầng để tạo nền tảng phát triển lan toả. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm…, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng" - Phó Thủ tướng nói.

Tại kỳ họp lần thứ 15 Hội đồng nhân dân TP Hải Phòng khoá XVI mới đây, đã thông qua Nghị quyết phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn đầu tư cho một số dự án phát triển đô thị và hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Theo đó, UBND TP. Hải Phòng sẽ thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với khối lượng trái phiếu được phát hành 378,2 tỷ đồng, mệnh giá trái phiếu 100.000 đồng, kỳ hạn 5 năm. Lãi suất lô trái phiếu do UBND TP Hải Phòng quyết định dựa trên khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định và tình hình thị trường trái phiếu tại thời điểm phát hành. 

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đặc biệt đến phát triển kinh tế Hải Phòng

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm đặc biệt đến phát triển kinh tế Hải Phòng

    05:50, 26/07/2024

  • Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hải Phòng

    Dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Hải Phòng

    08:01, 25/07/2024

  • Hải Dương: Đầu tư tuyến đường kết nối liên vùng với TP Hải Phòng

    Hải Dương: Đầu tư tuyến đường kết nối liên vùng với TP Hải Phòng

    06:14, 20/07/2024

  • Hải Phòng đi đầu về phát triển nhà ở xã hội

    Hải Phòng đi đầu về phát triển nhà ở xã hội

    03:00, 20/07/2024

ĐAN THANH