Bức tranh kinh tế thế giới (Kỳ I): Sáng tối đan xen nửa đầu năm
Trong khi kinh tế Mỹ ngày chứng tỏ sức mạnh và có vai trò dẫn dắt kinh tế toàn cầu, thì nhiều nền kinh tế lớn khác, như Trung Quốc, EU, Nhật Bản,… vẫn gặp nhiều thách thức.
>> Viễn cảnh trật tự kinh tế thế giới
Trong nửa đầu năm 2024 chứng kiến nhiều biến cố địa chính trị và kinh tế, như cuộc chiến Israel-Hamas lan sang Biển Đỏ; các cấm vận kinh tế do chiến sự Nga- Ukraine vẫn gia tăng; Mỹ, EU đánh thuế công nghệ xuất khẩu của Trung Quốc,…
Kinh tế Mỹ chậm lại nhưng chắc chắn
Lãi suất kỷ lục 5,5%/năm của FED khiến nhiều người lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Nhưng GDP quý I/2024 đạt 2,9%, khá ổn định so với quý IV/2023. Đó là những mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh lãi suất cao và nhiều biến động trên toàn cầu.
Cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ đưa chuỗi cung ứng, việc làm, công nghệ về Mỹ. Thêm vào đó, chủ trương tăng chi tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng, viễn thông, giáo dục… với quy mô lớn lên đến 1,7 nghìn tỷ USD trong 10 năm nhằm nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ lên một cấp độ mới là lý do cơ bản giải thích cho sức mạnh của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Trong khi đó, lạm phát cũng có khuynh hướng giảm khi chỉ số lạm phát hàng năm là 3,3% trong tháng 5 so với 3,4% của tháng 4 và 3,5% của tháng 3. FED đang hướng lạm phát tới mức mục tiêu 2%/năm. Điều này giúp FED sẽ đưa chính sách lãi suất quay trở về trạng thái bình thường, tức khoảng từ 2% - 2,5%, thay vì mức cao 5,5% như hiện nay.
Tuy nhiên, việc FED duy trì lãi suất cao sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2024 giảm tốc. Tiếp theo mức tăng trưởng giảm nhẹ trong quý I, số liệu ban đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng trong quý II của Mỹ có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ.
EU tăng trưởng yếu nhưng kiểm soát lạm phát
Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn trong năm 2023 nhưng cho thấy sức chống chịu rất tốt và may mắn thoát khỏi suy thoái. Hai quý cuối năm 2023 đều có mức tăng trưởng GDP hàng năm là 0,2%. Ngạc nhiên hơn, tốc độ tăng trưởng của quý I/2024 còn cao hơn với mức tăng là 0,4%. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng như vậy phản ánh sự mong manh của nền kinh tế EU.
Tỷ lệ lạm phát là điểm sáng trong kinh tế EU trong năm 2024 khi luôn ở mức thấp. Tỷ lệ này trong tháng 5 là 2,6%, giảm so với 2,8% trong tháng 1, và so với mức trung bình khoảng 7% trong năm 2023. Đây là lý do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất trước cả FED vào ngày 6/6/2024 từ mức đỉnh lịch sử 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm.
Sự suy yếu của nền kinh tế EU phần lớn bắt nguồn từ sự trì trệ chung của các nền kinh tế trong khu vực. Các nền kinh tế này ít sáng tạo, thị trường thiếu cạnh tranh đi cùng với tình trạng dân số già. Mặt khác, nó còn bắt nguồn từ sự yếu kém của nền kinh tế Đức- nền kinh tế lớn nhất và cũng được xem là năng động nhất khu vực.
>> "Đo đếm" các tác động đến kinh tế thế giới
Trung Quốc đối mặt “cơn lốc xoáy”
Tăng trưởng GDP quý I/2024 của Trung Quốc là 5,3% so với mức 5,2% trong quý III/2023 bị xem là đáng ngờ vì nó không tương thích với những chỉ dấu khác của nền kinh tế. Giảm phát là khuynh hướng đáng lo ngại với Trung Quốc. Chỉ số lạm phát luôn rất thấp và có hướng tiếp tục giảm. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 và 5 chỉ ở mức 0,3% và giảm xuống còn 0,2% trong tháng 6.
Dòng vốn FDI giảm thê thảm trong quý I/2024 với mức giảm lên tới 28,2%. Mức thu hút dòng vốn này trong tháng 5 là cao nhất cũng chỉ ở mức 497 triệu USD, trong khi mức trong tháng 12/2023 là 1,57 tỷ USD.
Nguyên nhân cơ bản của sự tồi tệ nêu trên bao gồm: Thứ nhất, khu vực bất động sản chiếm tới 30% GDP Trung Quốc, sụp đổ đang kéo theo khu vực ngân hàng đến bờ vực khủng hoảng. Thứ hai, bắt nguồn từ sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản, tình trạng nợ nần của chính quyền địa phương là đáng báo động và hiện không có cách nào giải quyết với khoản nợ lên tới 12,6 nghìn tỷ USD (tức bằng 72% GDP) vào năm 2022. Thứ ba, tình trạng dân số già nhanh chóng và đang thu hẹp tương tự Nhật Bản, cùng với nạn thất nghiệp và triển vọng vĩ mô mờ mịt kể trên khiến tiêu dùng cá nhân sụt giảm. Thứ tư, những chính sách chống tham nhũng, chống gián điệp nước ngoài, hay “thịnh vượng chung” là các cuộc tấn công mạnh vào khu vực tư nhân trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính, đầu tư nước ngoài.
Triển vọng tăng trưởng trong quý II/2024 của Trung Quốc sẽ thấp hơn quý I, và nửa cuối năm nhiều khả năng là tồi tệ. Mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2024 là rất khó đạt được.
Nhật Bản chưa thoát khó khăn
Nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài từ thập kỷ qua cho đến nay. GDP hàng năm của quý I/2024 tăng trưởng âm 0,2% sau khi tăng nhẹ 0,4% trong quý IV/2023. Nền kinh tế nước này vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng dân số làm thu hẹp thị trường tiêu dùng trong nước. Thêm vào đó, trận động đất mạnh ngay đầu năm nay ở bán đảo Noto và vụ gian lận trong ngành xe ô tô gần đây cũng giáng đòn mạnh vào tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu của ngành ô tô nước này. Nhưng quan trọng hơn, đồng Yên mất giá mạnh được xem là yếu tố quan trọng làm cho tình hình thêm tồi tệ vì nó làm giảm mạnh sức mua của dân cư.
Tuy nhiên, đồng Yên yếu cũng có ý đồ của NHTW Nhật Bản (BoJ) nhằm khuyến khích xuất khẩu. Đã xuất hiện tia hy vọng khi chỉ số PMI công nghiệp chế tạo đang cho thấy xu hướng gia tăng khi luôn ở mức trên 50 điểm trong tháng 5 và 6 so với mức 47,2 điểm hồi tháng 1/2024.
Quan trọng không kém, đó là phải kể đến sự dịch chuyển chuỗi cung ứng quan trọng từ Trung Quốc sang Nhật Bản do cạnh tranh địa chính trị. Đây là một yếu tố quan trọng giải thích sự cải thiện trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Nhật Bản. Thêm vào đó, chính đồng Yên yếu cũng góp phần thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn vì các nhà đầu nước ngoài thấy đầu tư vào đây rẻ hơn.
Kỳ II: Những rủi ro tiềm ẩn
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Mỹ đã thoát nguy cơ suy thoái?
03:30, 26/07/2024
Hé lộ "bí mật" về động lực tăng trưởng kinh tế Mỹ
04:00, 24/05/2024
Kinh tế Mỹ đối mặt nguy cơ đình lạm
04:00, 07/05/2024
Kinh tế châu Âu sắp “hạ cánh mềm”
12:00, 25/05/2024
Hình mẫu Nhật Bản trong an ninh kinh tế châu Âu
03:30, 11/02/2024
"Hé lộ" bức tranh kinh tế châu Âu năm 2024
04:00, 16/12/2023
Thời điểm bước ngoặt của kinh tế Trung Quốc
04:00, 15/07/2024
Dân số suy giảm, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?
02:30, 05/07/2024
"Xu hướng lạ” đe dọa kinh tế Trung Quốc
04:00, 03/07/2024
Nhiều doanh nghiệp lạc quan thận trọng về kinh tế Trung Quốc
03:30, 18/06/2024