Kinh tế Âu - Mỹ trái chiều

TRƯỜNG ĐẶNG 28/07/2024 03:00

Các báo cáo kinh tế mới cho thấy trong tháng vừa qua, nền kinh tế Mỹ đang được hỗ trợ bởi ngành dịch vụ, trong khi khu vực sản xuất công nghiệp của eurozone tiếp tục tỏ ra yếu kém.

Ngành dịch vụ đang trợ lực cho nền kinh tế Mỹ thay vì sản xuất

Ngành dịch vụ đang trợ lực cho nền kinh tế Mỹ thay vì sản xuất.

>>Chứng khoán Mỹ phát "cảnh báo đỏ" về triển vọng AI

Kinh tế Mỹ trông chờ vào dịch vụ

Số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng với tốc độ nhanh hơn dự báo trong quý II. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II tăng với tốc độ hàng năm là 2,8%, cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát là 2,1%.

Một trong các yếu tố giúp thúc đẩy GDP quý II của Mỹ  là chi tiêu của người tiêu dùng. Chi tiêu gia tăng với tốc độ 2,3% hàng năm trong quý 2/2024, tăng cao hơn so với tốc độ 1,5% trong quý đầu năm. Chi tiêu cho hàng hóa như ô tô và thiết bị tăng 2,5%, cao hơn so với tốc độ 2,3% trong quý trước đó. Đầu tư kinh doanh cũng ghi nhận mức tăng trong quý 2/2024, dẫn đầu là đầu tư thiết bị tăng 11,6%.

Trong khi đó, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) tổng hợp của Mỹ đã tăng lên 55 điểm trong tháng 6 vừa qua, từ mức 54,8 vào tháng Sáu. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại Mỹ đã giảm, với chỉ số PMI sản xuất xuống mức 49,5, thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế. Sự sụt giảm đặc biệt mạnh trong các đơn đặt hàng mới đã ảnh hưởng đến chỉ số này, cho thấy sự yếu kém trong nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất. 

Trong lĩnh vực dịch vụ, chỉ số PMI tăng lên 56,0 từ 55,3 trước đó, vượt qua kỳ vọng và đạt mức cao nhất trong 28 tháng. Giá dịch vụ tăng với tốc độ chậm nhất trong gần bốn năm qua, cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt bền vững trong một lĩnh vực đã từng gây khó khăn cho FED trong việc kiềm chế lạm phát.

Đáng lo cho châu Âu

Khu vực đồng Euro cũng chứng kiến sự gia tăng hoạt động dịch vụ trong tháng 6, mặc dù mức tăng trưởng khiêm tốn hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất nằm ở hoạt động sản xuất – trụ cột kinh tế của khu vực – đã giảm mạnh nhất từ đầu năm. Đức, quốc gia hàng đầu về sản xuất của châu Âu, đã trở lại suy thoái sau ba tháng tăng trưởng mong manh khi ngành công nghiệp sản xuất tiếp tục đà giảm, theo các khảo sát.

>>Kinh tế Mỹ đã thoát nguy cơ suy thoái?

“Đây có vẻ là một vấn đề nghiêm trọng,” Norman Liebke, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, cho biết. Ông lưu ý sự sụt giảm "sâu và đáng kể" trong sản lượng sản xuất kéo nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng Euro suy giảm.

Đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng, cho thấy các nhà quản lý đang chần chừ sản xuất cho đến khi nhu cầu phục hồi mạnh mẽ hơn.

Kinh tế châu Âu đang ở giữa trì trệ về kinh tế và bất ổn chính trị

Kinh tế châu Âu đang ở giữa trì trệ về kinh tế và xáo trộn chính trị

Trong khi đó, tại Pháp, lĩnh vực dịch vụ đã mở rộng nhẹ nhờ được thúc đẩy bởi Thế vận hội Olympic đang diễn ra tại Paris. Thế nhưng tương tự ở Đức, hoạt động sản xuất nước này cũng giảm mạnh hơn trong tháng 6. Ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu và niềm tin giảm sút trong bối cảnh bất ổn chính trị sau khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bầu cử lập pháp nhanh chóng mà vẫn chưa thành lập được chính phủ mới.

Ông Macron hiện vẫn chưa bổ nhiệm Thủ tướng mới sau cuộc bầu cử, và cơ cấu của chính phủ mới vẫn còn mơ hồ khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư cảm thấy bất an trước tương lai. Chính sách tài khóa của nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu vẫn là một mối quan tâm chính đối với thị trường và nhà đầu tư. Liên minh châu Âu tháng trước đã nhấn mạnh rằng Pháp phải hành động để thu hẹp thâm hụt ngân sách hoặc đối mặt với sự can thiệp.

Tín hiệu phần lớn là tiêu cực của các trụ cột kinh tế như Đức và Pháp cho thấy khu vực đồng Euro có thể trở lại tình trạng trì trệ sau khi ghi nhận tăng trưởng trong quý 1/2024, Franziska Palmas, một nhà kinh tế tại công ty tư vấn Capital Economics, cho biết.

Theo các khảo sát, hoạt động sản xuất trong khu vực đồng Euro đã giảm kể từ tháng 6/2022, thời điểm xung đột Nga-Ukraine bắt đầu gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực này.

Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, làm suy yếu các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao như sản xuất hóa chất, xi măng và thủy tinh. Nhu cầu cũng bị ảnh hưởng khi chiến tranh làm gián đoạn thị trường và đẩy lạm phát lên cao. Đến nay, cú sốc đó đã giảm dần, nhưng ngành công nghiệp khu vực đồng Euro đã vật lộn để hồi phục giữa sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà sản xuất Trung Quốc và chi phí vay cao đè nặng lên đầu tư.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tuần trước đã quyết định giữ lãi suất ở mức cao hiện tại, dù gợi ý rằng một đợt cắt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay có thể diễn ra nếu nền kinh tế có nguy cơ suy yếu.

ECB đã cắt giảm lãi suất vào tháng 6 năm 2024 với mức giảm 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất cho các hoạt động tái cấp vốn chính xuống 4,25%, lãi suất cho cơ sở cho vay biên là 4,5%, và lãi suất tiền gửi xuống 3,75%.

Có thể bạn quan tâm

  • Xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, xe sang từ châu Âu, sắp tràn vào Việt Nam

    Xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, xe sang từ châu Âu, sắp tràn vào Việt Nam

    04:13, 10/07/2024

  • Vi vu châu Âu, xem chung kết Euro 2024 với HDBank

    Vi vu châu Âu, xem chung kết Euro 2024 với HDBank

    14:15, 03/07/2024

  • Ngưỡng cửa lịch sử của nền kinh tế số 2 châu Âu

    Ngưỡng cửa lịch sử của nền kinh tế số 2 châu Âu

    03:00, 03/07/2024

  • "Bùng nổ" điện mặt trời: Mặt trái ám ảnh châu Âu

    03:00, 26/06/2024

TRƯỜNG ĐẶNG