Loạt "ông lớn" đổ bộ, kích hoạt thị trường địa ốc Hà Nam
Sự xuất hiện của các "ông lớn" bất động sản như Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4... đang góp phần định hình thị trường bất động sản Hà Nam chuyên nghiệp hơn.
>>Thu hút đầu tư tỉnh Hà Nam: Tư duy mới – Tầm nhìn xa
Chia sẻ tại tọa đàm “Thị trường bất động sản Hà Nam sẵn sàng cho một chu kỳ mới”, bà Phạm Thị Miền - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARs IRE) cho hay, từ đầu năm đến 31/5/2024, toàn tỉnh Hà Nam thu hút 29 dự án (bằng 223% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh vốn 22 dự án (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2023).
Đối với dự án FDI, tỉnh cấp mới 10 dự án với tổng vốn đăng ký 57,2 triệu USD; thực hiện điều chỉnh 14 dự án với vốn đầu tư tăng 280,9 triệu USD. Đối với vốn trong nước, tỉnh cấp mới 19 dự án với tổng vốn đăng ký 2.795 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh 8 dự án với vốn đầu tư tăng 836 tỷ đồng.
Đáng chú ý, riêng về bất động sản, những năm qua Hà Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản, trong đó có hàng loạt “ông lớn” đổ về như: Sun Group, Bitexco, BRG Group, T&T hay Icon4. Trung bình, mỗi năm tỉnh Hà Nam có 10 dự án bất động sản mới được hình thành (trừ những năm Covid). Tính đến hiện tại, toàn tỉnh hiện có khoảng 43 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có nhà ở cơ bản hoàn thành.
Mặc dù nhiều tiềm năng nhờ nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô, mạng lưới giao thông đồng bộ, vốn đầu tư trong và ngoài nước gia tăng, song bất động sản Hà Nam chưa “bật lên” được do các dự án phát triển vào khoảng thời gian trước có chất lượng và quy mô chưa tương xứng, chưa phát triển nhiều loại hình sản phẩm đa dạng, chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản nhà ở chủ yếu là đất nền và bất động sản công nghiệp, trong khi chưa có các khu đô thị quy mô cao cấp.
“Do vậy, các dự án quy mô lớn triển khai trong bối cảnh thị trường bất động sản hồi phục tích cực với hành lang pháp lý đang dần hoàn thiện sẽ giúp thị trường bất động sản Hà Nam đứng trước cơ hội tỏa sáng. Hơn nữa, quy hoạch chung của Hà Nam đã được xây dựng, có chất lượng được đánh giá tốt, cơ hội tăng giá trị sau đầu tư hấp dẫn”, Phó viện trưởng VARs IRE nhìn nhận.
>>Bất động sản Hà Nam nóng trở lại: Sức hút từ đâu?
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng tiềm năng phát triển của thị trường bất động sản Hà Nam là rất lớn, đặc biệt, so sánh về giá cả và vị trí đang chỉ bằng 2/3 so với các tỉnh ven Hà Nội.
Còn theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nam có ưu thế khi đi đầu về đô thị hóa so với các tỉnh ở vùng kinh tế sông Hồng, tỷ lệ đô thị hóa ở mức khoảng 30,7% vào năm 2020.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tỷ lệ đô thị hóa có thể cao hơn so với các địa phương nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao, với những lợi thế này, chuyên gia Trần Đình Thiên cho rằng Hà Nam là vùng đất đang có dư địa rất tốt để bùng nổ.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh hai điểm đặc biệt quan trọng của Hà Nam từ năm 2021 đến nay. Một là, kết nối phát triển du lịch với khu du lịch tâm linh Tam Chúc. Thứ hai, Hà Nam đã "mời" được các nhà đầu tư tầm cỡ để định hình "cuộc chơi" đô thị.
Cũng tại tọa đàm, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã ra mắt Ban điều hành VARS tại Hà Nam, minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của VARS, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên VARS và các môi giới bất động sản khu vực phía Bắc có cơ hội học tập, giao lưu và phát triển, hành nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần vào sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản Hà Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Có thể bạn quan tâm