Nỗ lực tạo một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, bằng nhiều giải pháp cụ thể, tỉnh Hà Nam chú trọng tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.
>>> Thu hút đầu tư tỉnh Hà Nam: Tư duy mới – Tầm nhìn xa
Với việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tháo gỡ các “điểm nghẽn” về đất đai, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giao đất, triển khai các dự án trên địa bàn. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, tạo sự hài lòng cho doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư.
Cải cách hành chính, thúc đẩy đầu tư
Công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được lãnh đạo tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm nhiều năm qua. Bởi, chỉ có cải cách hành chính mới đem lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, giảm bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Cải cách hành chính sẽ giúp tỉnh nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật, xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam – Phạm Chí Thống, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có khối lượng công việc rất lớn, TTHC nhiều, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cán bộ, công chức, các TTHC thuộc phạm vi giải quyết của Sở đã được cắt giảm đáng kể, thời gian thực hiện nhanh, chính xác, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn cử, ông Thống cho biết, các TTHC đã được Sở cắt giảm bình quân 51,4% ngày làm việc, có TTHC đã cắt giảm từ 30 ngày còn 05 ngày cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục Đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu. Đồng thời, Sở cắt giảm 18 ngày làm việc đối với trường hợp Đăng ký biến động đối với trường hợp chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đã triển khai việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa hệ thống thông tin quản lý đất đai của tỉnh với ứng dụng quản lý trước bạ nhà đất của ngành thuế. Qua đó, nâng cao hiệu quả phối hợp giải quyết TTHC trên lĩnh vực đất đai; tiết kiệm thời gian, chi phí giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nam đang hướng tới là cung cấp dịch vụ công và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Chỉ số “Tiếp cận đất đai” của Hà Nam đạt 6,54 điểm, tăng 0,61 điểm so với năm 2022. Nhìn vào Chỉ số này cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đánh giá việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh trên địa bàn đã thuận lợi hơn nhiều. Mặc dù theo VCCI, năm 2023 những trở ngại trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có dấu hiệu gia tăng khi chỉ có 40,7% doanh nghiệp cho biết không gặp trở ngại về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh và 73% tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Ông Nguyễn Duy Hồng, Giám đốc công ty TNHH Hà Phương cho biết, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các sở, ngành, địa phương ngay khi có chủ trương đầu tư. Hiện nay, các cơ chế, chính sách và TTHC đều được công khai, minh bạch trên môi trường điện tử nên các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ điều này. Hơn nữa, mọi quy trình, thủ tục thực hiện dự án đều được thực hiện đúng, đầy đủ theo quy trình và quy định pháp luật, không có tình trạng phiền hà, gây khó từ các cán bộ, công chức tỉnh Hà Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Hà Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, do đó có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư tại tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc do việc áp dụng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, với sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thông qua việc thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, các giải pháp đã được kịp thời đưa ra để nhanh chóng tháo gỡ cho chủ đầu tư. Đặc biệt, đối với các gói thầu trọng điểm của tỉnh cần được đẩy nhanh tiến độ thi công, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ trực tiếp chủ trì các cuộc họp để cùng các sở, ngành tìm hướng giải quyết nhanh nhất theo đúng quy định.
“Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, thì sự đồng hành, quan tâm của chính quyền tỉnh Hà Nam là vô cùng ý nghĩa và cần thiết, giúp doanh nghiệp có thêm động lực và niềm tin để vượt qua mọi trở ngại, tiếp tục phấn đấu xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh”, ông Hồng cho hay.
Quyết liệt, sáng tạo trong giải phóng mặt bằng
Cùng với nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch luôn được tỉnh Hà Nam xác định là một trong những yếu tố quan trọng, then chốt. Với sự vào cuộc quyết liệt, cách làm sáng tạo, đột phá, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ rệt, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Quang Nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam cho biết, đất đai là lĩnh vực phức tạp, liên quan đến mọi đối tượng sử dụng đất, đặc biệt là công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Một trong các điều kiện dự án được giao đất, cho thuê đất khi hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy công tác giải phóng mặt bằng có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm việc sử dụng đất hiệu quả.
Tỉnh Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.043 ha. Với mỗi dự án ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các quy trình trong công tác GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư thi công hạ tầng kỹ thuật. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động các hộ dân hiểu về ý nghĩa, vai trò của khu công nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đa số các dự án được đảm bảo tiến độ thi công và nhanh chóng thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp.
Về điều này, Phó Giám đốc Nguyễn Quang Nghiệp cho rằng, công tác thu hồi đất, GPMB có tính chất rất phức tạp, không đơn giản chỉ là áp dụng pháp luật thuần túy. Do đó, để khắc phục khó khăn, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, cần phải triển khai thực hiện một số giải pháp đồng bộ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. GPMB phải thực hiện theo nguyên tắc “đúng ngay từ đầu”; trong xử lý phải cương quyết, nhất quán, dám chịu trách nhiệm khi giải quyết những vấn đề có khó khăn, vướng mắc vì lợi ích chung; quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, minh bạch và phải luôn đề cao trách nhiệm giải trình. Nếu có nội dung chưa được thực hiện đúng thì cần phải điều chỉnh, sửa đổi ngay, không được để sự việc diễn biến phức tạp.
“Khi quyền, lợi ích chính đáng của người dân bị thu hồi đất đã được nhà nước quan tâm tốt nhất, bảo đảm đúng chính sách, chế độ quy định thì phải có biện pháp cương quyết, nhất quán để xử lý”, ông Nguyễn Quang Nghiệp cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Bản lĩnh - Tài năng của nữ doanh nhân tỉnh Hà Nam
06:15, 08/06/2024
Công an tỉnh Hà Nam: Doanh nghiệp đã chủ động về PCCC
01:05, 02/06/2024
Tỉnh Hà Nam phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
20:00, 31/05/2024
Huyện Thanh Liêm (Hà Nam) - Điểm sáng trong thực hiện Đề án 06
14:50, 27/05/2024
Vì sao các khu công nghiệp ở Hà Nam hút nhà đầu tư?
13:16, 27/05/2024
Hà Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
09:38, 25/05/2024