Những năm qua, Hà Nam luôn quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tỷ lệ lao động qua đào tạo. Mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nam đạt 75%.
>>> Vì sao các khu công nghiệp ở Hà Nam hút nhà đầu tư?
Chỉ số PCI “Đào tạo lao động” năm 2023 vừa được VCCI công bố tỉnh Hà Nam đạt 6,42 điểm tăng 0,56 điểm xếp 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2022, đạt tốp Khá. Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Hảo, Hà Nam đang là địa chỉ đỏ thu hút nhiều nhà đầu tư về các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động, nguồn nhân lực đặc biệt quan trọng với các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và đầu tư ổn định sản xuất.
Trong những năm qua, Sở luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ LĐ-TB và XH, của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã; sự đoàn kết, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành trong việc thực hiện chính sách nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Hảo, hiện nay tổng số lao động làm việc trong các khu công nghiệp là khoảng 86.530 người, số lao động làm việc ngoài khu công nghiệp là khoảng 85.178 người. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 25.000 lao động (trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.000 người) và giải quyết việc làm thêm cho khoảng 21.000 người. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tuyển sinh và đào tạo 19.850 người ở các trình độ, trong đó: Cao đẳng 700 người, trung cấp 2.350 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 16.800 người.
Bên cạnh đó, những năm qua công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, thông qua các chương trình giải quyết việc làm - dạy nghề, các chương trình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động rất hiệu quả.
Chia sẻ về lĩnh vực cung – cầu lao động, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nam cho biết, trong vòng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có trên 20.000 lao động được giải quyết việc làm mới và hơn 25.000 lao động có việc làm thêm. Đó là những điều kiện tạo thêm môi trường đầu tư hấp dẫn, thuận lợi giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại tỉnh.
Năm 2023 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 28.494 lao động, đạt 114%; xuất khẩu lao động được 1.301 lao động, đạt 130%; giải quyết việc làm thêm cho 25.240 người, đạt 120%. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, với 35 phiên giao dịch việc làm, vượt 11 phiên so với kế hoạch. Có 42.880 lượt người được tư vấn về việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động.
Thỏa thuận hợp tác giữa Sở LĐ-TBXH tỉnh Hà Nam và Chính quyền Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk (Hàn Quốc), thống kê từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 557 lượt người được tuyển dụng đi làm việc thời vụ tại Quận Bonghwa-gun, tỉnh Gyeongsang-buk (Hàn Quốc). “Xu hướng đi xuất khẩu lao động thời vụ với nông dân Hà Nam hiện nay rất lớn, hiện trong số 230 chỉ tiêu mà phía Hàn Quốc gửi yêu cầu tái cử, đã có 226 người đăng ký, nộp hồ sơ đi tiếp”, ông Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, một trong những điển hình là tỉnh Hà Nam với cách làm rất hay, sáng tạo, đó là phối hợp Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Hà Nam tổ chức “phiên chợ tình người”, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, một việc làm thể hiện đậm nét tính nhân văn, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng, tham gia quản lý giáo dục, giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tìm kiếm việc làm, tạo các điều kiện vay vốn kinh doanh, sản xuất, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, vươn lên trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thắng – Chủ tịch Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Thành Anh Thắng tỉnh Hà Nam cho biết, công ty hoạt động 10 năm, có hơn 200 lao động; tuyển dụng bên Trung tâm DVVL tỉnh Hà Nam, công ty thường xuyên được mời, thời gian gần đây từ khi Bộ Công an có thực hiện “ Phiên chợ tình người”, công ty cũng tham gia nhiều. Tại Hà Nam công ty có các cơ sở thuê dịch vụ của công ty như Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Cảng Thái Hà, Khách sạn Bình Minh; Vũ trường H2 Đồng Văn... Ngoài ra còn hoạt động tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bình Dương và TP Hà Nội. Vì vậy nhu cầu tuyển dụng của công ty là thường xuyên.
Nhưng trong quá trình tuyển dụng, mặc dù nguồn lao động có, nhưng công ty bị vướng Nghị định 96 của Chính phủ, là yêu cầu các công ty bảo vệ kinh doanh có điều kiện không được tuyển dụng người có tiền án hình sự, mặc dù công ty muốn tuyển nhưng không sử dụng được. Nên chúng tôi mong muốn được sửa NĐ 96/CP, để những người lầm lỡ trở về cơ hội tìm việc làm dễ hơn. Công ty đã ý kiến lên Bộ Công an nhưng cũng phải chờ theo quy trình của Nhà nước, ông Thắng cho hay.
>>> Ngành Thuế Hà Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, người nộp thuế
Giáo dục nghề nghiệp được nâng cao
Ông Nguyễn Văn Hảo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam cho biết thêm, tỉnh Hà Nam đang tập trung đổi mới, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN về chương trình, giáo trình đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý, nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để giải quyết việc làm cho người lao động, Hà Nam đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Toàn tỉnh hiện đang tuyển sinh, đào tạo 101 nghề, trọng tâm là các nghề: Điện - điện tử; điện công nghiệp; công nghệ ô tô; logistics; cơ điện tử; y dược;... Trong đó, trình độ cao đẳng có 26 nghề, trung cấp 36 nghề, sơ cấp và dưới 3 tháng có 74 nghề.
Công tác hợp tác, gắn kết giữa 03 nhà (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) trong GDNN được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 156 doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với các cơ sở GDNN. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều được tư vấn và giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 95% người học sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm các công việc phù hợp với ngành, nghề đào tạo.
Theo thống kê, Hà Nam có 7/22 cơ sở GDNN được phê duyệt, lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Trung bình mỗi năm, các nhà trường tuyển sinh, đào tạo khoảng trên 20.000 người. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm trên 60%. Cùng với đó, các nhà trường cũng tham gia tích cực thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Toàn tỉnh, năm 2023 tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng cho 3.517 lao động nông thôn; tổ chức đào tạo cho 325 học viên theo đề án Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đã tổ chức thi tốt nghiệp cho 426 học viên. Trường Cao đẳng nghề Hà Nam hoàn thành triển khai Dự án Đầu tư mở rộng, hướng tới thành trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
>>> Hà Nam: Để “Chi phí không chính thức” không còn là rào cản doanh nghiệp
Năm 2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 20.800 người, (cao đẳng: 472 người, trung cấp 3.574 người, sơ cấp 2.826, dạy nghề dưới 3 tháng 13.928 người) tổ chức thi tốt nghiệp cho 18.500 người. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 58%, đạt 100% kế hoạch.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu, ngành sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả; quản lý các tổ chức dịch vụ việc làm, bảo đảm chỉ tiêu giải quyết việc làm mới, giải quyết việc làm thêm, chỉ tiêu xuất khẩu lao động. Tiếp tục đổi mới, phát triển GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh CCHC; ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời, minh bạch, hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển KTXH trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
“Mở đường” để doanh nghiệp đào tạo lao động
14:15, 24/01/2024
Gia tăng quyền năng nữ lao động trong các khu công nghiệp
16:17, 29/05/2024
Quy định tiền lương trong hợp đồng lao động
00:06, 28/05/2024
Phát triển doanh nghiệp thúc đẩy tăng năng suất lao động
02:30, 27/05/2024
Cảnh giác “bẫy” xuất khẩu lao động, tránh “tiền mất, tật mang”!
20:38, 25/05/2024