Những năm gần đây, Hà Nam tích cực cải thiện môi trường đầu tư, có nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế – xã hội và đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
>>> Hà Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể
Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam luôn quyết tâm trong việc cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh; kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng nhất cho doanh nghiệp. Theo ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, tỉnh xác định xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, sự phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các địa phương trong thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam đã chủ động đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt, đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo bước đột phá để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, ông Lưu Trần Sơn cho biết, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, nổi bật là tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai dự án trên địa bàn. Đặc biệt, UBND tỉnh đã tận dụng tốt các cơ hội, thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tư vấn, các tập đoàn lớn để xúc tiến, mời gọi đầu tư.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh tăng cường giới thiệu và quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp đối với các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, Mỹ… Từ đó, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nhất là những lĩnh vực có thế mạnh như sản xuất công nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực… Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh, nhất là về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh về giao thông, vị trí địa lý, nguồn nhân lực.
>>> Hà Nam: Để “Chi phí không chính thức” không còn là rào cản doanh nghiệp
Sức hút từ hạ tầng giao thông
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Nam đang tập trung nguồn lực ưu tiên dành hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, tạo sự kết nối đồng bộ, hiệu quả với các tỉnh/thành khác trong vùng và cả nước.
Điểm nhấn đầu tiên về hệ thống giao thông trân địa bàn tỉnh Hà Nam là đường cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, thông tuyến với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,… và nằm trong hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam. Có 3 nút giao được bố trí đi qua các địa phương của tỉnh, như: nút giao Cầu Giẽ (thuận tiện đi Kim Bảng và TP Phủ Lý), nút giao Liêm Tuyền (xuống trung tâm TP Phủ Lý) và nút giao Vực Vòng (thị xã Duy Tiên). Các nút giao này đều là những đầu mối giao thông quan trọng để kết nối với những khu vực đang có từng thế mạnh riêng, tạo sự “hoàn hảo” trong phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Hà Nam.
Cùng với đó, tuyến đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đi qua 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên đã khai thác rất hiệu quả, kết nối liên thông giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của 2 tỉnh với cảng Hải Phòng, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sân bay Nội Bài,…
Trên trục cao tốc Bắc – Nam, nút giao liên thông 3 tầng Phú Thứ (TP Phủ Lý) cũng đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thi công. Theo đó, tầng 1 xây dựng hầm trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h; Tầng 2 xây dựng đảo xuyến bán kính 40m bao gồm 4 nhánh tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; Tầng 3 cầu vượt của đường Vành đai 5 vùng Thủ đô bên trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Điểm nhấn giao thông nữa là Dự án đường liên kết vùng trục đông tây tỉnh Hà Nam, tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định).
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác không chỉ giảm tải giao thông cho QL1A, QL 21, đường nối hai cao tốc khu vực Phủ Lý, Bình Lục, Lý Nhân mà còn nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh, nhất là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
>>> Ngành Thuế Hà Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, người nộp thuế
Khu công nghiệp Thái Hà – “Ngôi sao đang lên”
Từ những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sự phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi đã tạo “lực đẩy” cho công nghiệp của tỉnh Hà Nam vươn lên mạnh mẽ những năm gần đây.
Khu công nghiệp Thái Hà (huyện Lý Nhân, Hà Nam) là một trong số những khu công nghiệp (KCN) ra đời sau nhưng lại có sức hấp dẫn vô cùng lớn với các nhà đầu tư. Đây là KCN thứ 8 của tỉnh Hà Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, được đánh giá là KCN có chất lượng hạ tầng kỹ thuật hiện đại bậc nhất và khả năng thu hút đầu tư tốt nhất.
KCN Thái Hà giai đoạn I - quy mô 100 ha đã được lấp đầy 100%, với khoảng hơn 60% là các dự án đầu tư FDI, tổng vốn đầu tư của các dự án là khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.
Phát huy nền tảng và thành công của giai đoạn I, Hợp Tiến tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật để xây dựng KCN Thái Hà giai đoạn II với quy mô 100ha và đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 179/QĐ-TTg về phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống cơ sở hạ tầng của KCN Thái Hà giai đoạn II đã từng bước được hoàn thiện và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến thăm và thực hiện đầu tư vào Dự án.
Lý giải về khả năng thu hút đầu tư của KCN Thái Hà, ông Lê Tuấn Tiến – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hợp Tiến cho biết, dự án KCN Thái Hà (I và II) có vị trí địa lý và kết nối giao thông rất thuận lợi. KCN Thái Hà thuộc khu vực nút giao giữa cầu Hưng Hà và cầu Thái Hà (nối liền 3 tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình), nằm trên đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, đồng thời cũng nằm trên quy hoạch đường vành đai 5 Thủ đô nên sẽ rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ KCN đi các cửa khẩu, bến cảng và các tỉnh/thành khu vực lân cận, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí vận tải. Ngoài ra, KCN Thái Hà còn nằm trong quy hoạch đô thị Thái Hà rộng 2.062 ha với rất nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
“KCN Thái Hà có 2 trục đường đối ngoại với lộ giới lần lượt là 68m và 54m; hệ thống đường nội bộ trong KCN rộng lần lượt là 36m, 32m, 21,25m và 18,25m. Cùng với đó là nguồn cấp điện, xử lý nước thải, cũng như thoát nước luôn đảm bảo nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư”, ông Tiến nói và cho biết: “Các doanh nghiệp khi đầu tư và KCN Thái Hà luôn yên tâm bởi tính ổn định và pháp lý rõ ràng. Chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở, sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp khi phát sinh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, với tư các là chủ đầu tư của Dự án, Công ty TNHH Hợp Tiến cũng sẽ tư vấn, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp về các thủ tục đầu tư và vận hành dự án trong suốt quá trình hoạt động, đảm bảo rằng KCN Thái Hà luôn là điểm đến an toàn và trở thành một KCN điển hình về thu hút đầu tư và phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng. Về phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, tỉnh sẽ quy hoạch các khu công nghiệp gắn với vùng đô thị, dịch vụ với định hướng thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. |
Có thể bạn quan tâm
KSB sẽ tăng quỹ đất hơn 1500ha để phát triển khu công nghiệp
12:19, 24/05/2024
Khu Công nghiệp Sông Khoai – Điểm sáng thu hút đầu tư
16:12, 03/05/2024
Khu công nghiệp sinh thái: Hình mẫu “quảng bá” điểm đến đầu tư
16:57, 20/04/2024
Nhiều kết quả trong thực hiện Dự án triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
09:59, 12/04/2024