TP.HCM: Bảng giá đất mới tăng đột biến, đối tượng nào bị tác động?

ĐAN THANH 29/07/2024 14:11

Bảng giá đất mới của TP.HCM dự kiến sẽ tăng mạnh ở hàng loạt tuyến đường nhằm bám sát thực tế và phù hợp với các chính sách mới ban hành.

>>> Xác định giá đất sát giá thị trường

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình UBND TP dự thảo bảng giá đất để áp dụng sau ngày 1-8-2024 (ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực). 

ảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM dự kiến áp dụng từ ngày 1-8 với mức tăng từ 5 lần đến 50 lần giúp giá đất sát thị trường, nhưng cũng gây không ít khó khăn.

Bảng giá đất điều chỉnh của TP.HCM dự kiến áp dụng từ ngày 1-8 

Theo đó, giá đất mới tăng hàng chục lần so với bảng giá đất hiện tại, giá đất ở cao nhất 810 triệu đồng/m2. Tuy vậy theo Sở Tài nguyên và Môi trường, giá đất mà sở trình UBND TP bằng khoảng 70% giá thị trường hiện tại.

Cụ thể, tại quận 1, Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh tại các tuyến đường đều gấp 5 lần so với quy định trước đó. Cao nhất là 3 con đường Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Nếu được thông qua đơn giá mới của các tuyến này có thể lên đến 810 triệu đồng/m2. Còn đường có đơn giá thấp nhất quận 1 là đường Trương Hán Siêu với 97.5 triệu đồng/m2. 

Tại quận 3: Bảng giá đất điều chỉnh tại các tuyến đường trung bình gấp gần 6.3 lần thời điểm hiện tại. Đơn giá lớn nhất là 420 triệu đồng/m2 được áp dụng cho các tuyến đường gồm: Công Trường Quốc Tế, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Cao Vân. 

Tại quận 4: Đây là khu vực có mức tăng lớn thứ 3 trong các quận với 11.3 lần. Đường số 50 khi từ 9.2 triệu đồng/m2 lên 104 triệu đồng/m2. Xét về trị số thì có 2 tuyến đường có cùng đơn giá cao nhất là 389.9 triệu đồng/m2 là đường Hoàng Diệu (đoạn từ Nguyễn Tất Thành đến Đoàn Văn Bơ) và đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ cầu Khánh Hội đến Lê Văn Linh). Tuyến đường giá đất thấp nhất ở quận 4 theo dự thảo là đường số 32A và đường số 35, có cùng hệ số 98.3 triệu đồng/m2.

Cũng theo Dự thảo Bảng giá đất mới của TP.HCM, giá đất tại các tuyến đường trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7 được điều chỉnh tăng rất mạnh. Điển hình như đường Tôn Dật Tiên, Phạm Thái Bường giá đất hiện tại chỉ ở mức 22 triệu đồng/m2. Sau 1/8, những tuyến đường này sẽ tăng lên 220 triệu đồng/m2, tức tăng gấp 10 lần. Đường Trần Văn Trà có giá đất 17 – 18 triệu đồng/m2 sẽ tăng lên 180 triệu đồng/m2. Đường Nguyễn Lương Bằng có giá đất là gần 21 triệu đồng/m2 sẽ tăng lên 210 triệu đồng/m2.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT TP.HCM cho biết, Bảng giá đất theo Quyết định số 02/2020 bị khống chế bởi quy định tại điểm 6 Phụ lục IX của Nghị định số 96/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khung giá đất (tối đa 162 triệu đồng) nên phải thực hiện điều chỉnh giảm so với thông tin thị trường đã thu thập được, dẫn đến giá đất chưa tiệm cận giá đất thị trường và cần phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai năm 2024 quy định Bảng giá đất được áp dụng cho 12 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính nên có tầm quan trọng đối với đời sống xã hội. Do đó, nếu không triển khai Bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn thành phố thì dẫn đến “ách tắc” trong giải ngân đầu tư công cũng như thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và các tổ chức.

Theo ông Thắng, việc điều chỉnh Bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, sẽ có 3 nhóm đối tượng không bị tác động và 8 nhóm bị tác động.

Trong đó, 3 nhóm không bị tác động gồm: Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.

8 nhóm bị tác động bao gồm: Nhóm hộ gia đình, cá nhân được công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất sẽ áp dụng bảng giá đất cho tất cả diện tích không phân biệt diện tích trong hay ngoài hạn mức (điểm a, h, k khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024). Trong đó, đối với diện tích đất ngoài hạn mức không bị ảnh hưởng (do bảng giá đất được xây dựng theo nguyên tắc thị trường). Tuy nhiên, đối với diện tích đất trong hạn mức sẽ có xét đến các mốc thời điểm sử dụng đất để quy định tỷ lệ thu trên cơ sở bảng giá đất (nội dung này đang được Chính phủ đưa vào dự thảo Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất)...

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, bảng giá đất mới sẽ tác động lớn đối với người dân trong giao dịch, chuyển nhượng bất động sản bởi Nhà nước đã có bảng giá đất đối soát, người dân sẽ khó để khai giá khi mua bán thấp hơn thị trường (mua bán 2 giá). Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ thu được khoản thuế lớn hơn từ đất đai và các khâu đền bù, giải phóng mặt bằng cũng sẽ thuận lợi hơn khi người dân đồng thuận với mức giá sát với giá thị trường. 

Có thể bạn quan tâm

  • Từ ngày 29/7, Hà Nội áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất mới

    Từ ngày 29/7, Hà Nội áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất mới

    14:09, 28/07/2024

  • Định giá đất vẫn “nóng”

    Định giá đất vẫn “nóng”

    14:00, 28/07/2024

  • Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất, cao nhất tại 4 quận nội thành

    Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất, cao nhất tại 4 quận nội thành

    10:30, 24/07/2024

  • Hết thời

    Hết thời "quân xanh, quân đỏ", đấu giá đất rồi bỏ cọc

    14:00, 23/07/2024

ĐAN THANH