Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật mới được Quốc hội thông qua, trong đó, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi có nhiều điểm mới về đấu giá đất.
>>Bắc Giang: Đấu giá đất sôi động trở lại
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (Luật Đấu giá tài sản sửa đổi).
Trong đó, luật này đã bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm của người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản, đó là: Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản; Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó.
Luật bổ sung mới quy định về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến. Theo đó, việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến.
Về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan, luật quy định người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Quy định trên nhằm ngăn chặn người trúng đấu giá đối với những tài sản này tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định tùy theo tính chất, mức độ vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, tránh tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong đấu giá tài sản.
>>Thu hồi, đấu giá đất để không còn cảnh bỗng thành nhà mặt phố: Nên hay không?
Thực tế, quay cuồng trong cơn sốt đất những năm qua, tình trạng bỏ cọc đấu giá đất, đấu giá đất bất thường đã diễn ra ở nhiều địa phương, với các quy mô từ nhỏ đến các dự án lớn.
Đơn cử như tại Bắc Giang, trong tháng 10/2023, ghi nhận của địa phương có tới 90 trường hợp trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc. Trước đó, trong hai năm 2020 - 2021, thống kê của tỉnh này cho thấy số lô đất bị bỏ cọc là 1.471.
Hay tại Hà Nội tình trạng trên diễn ra với những lô đất có giá trị lớn, quy mô lớn hơn. Như trường hợp 4 thửa đất tại Khu X4, phường Mai Dịch từng gây xôn xao dư luận khi có mức trúng đấu giá 400 triệu đồng/m2, nhưng sau đó người trúng đấu giá bỏ cọc.
Đặc biệt, vụ việc nổi bật nhất liên quan đến đấu giá đất tại Hà Nội là vụ bà Nguyễn Thị Loan, cựu chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex, cùng 10 đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỉ đồng trong vụ án sai phạm đấu giá đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội
Theo kết luận của cơ quan công an, tháng 8/2020, Ban quản lý dự án H.Đông Anh (Hà Nội) tổ chức đấu giá khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương. Khu đất này được Công ty CP thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định có giá trị khoảng 500 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị can Loan đã thông đồng với một số đối tượng để "hạ giá trị" khu đất xuống còn 300 tỉ đồng.
Và không thể không kể đến vụ việc "vô tiền khoáng hậu" tại vụ đấu giá đất Thủ Thiêm (TP. HCM) hồi cuối năm 2021. Theo đó, ngày 10/12/2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. HCM và Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP. HCM đã tiến hành đấu giá 4 lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, các lô đất có mục đích sử dụng đã quy hoạch là nhà chung cư kết hợp chức năng thương mại dịch vụ.
Cả 4 lô đất, sau khi mức giá đấu được đẩy lên quá xa so với giá khởi điểm, trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng khu đất có diện tích hơn 10.000 m2 ở khu đô thị Thủ Thiêm, xác lập cột mốc hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất. Tuy vậy, các doanh nghiệp trúng đấu giá đã đồng loạt xin bỏ cọc không lâu sau đó.
Theo các chuyên gia, tình trạng đấu giá trên trời rồi bỏ cọc, hay “quân xanh quân đỏ” thao túng đấu giá đất rất dễ gây "thất thu" ngân sách. Cùng với đó là ảnh hưởng đến tiến độ phát triển đô thị, ổn định đời sống dân cư và rối loạn thị trường bất động sản.
Do đó, chế tài xử lý mới tại Luật Đấu giá tài sản bổ sung sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng trên. Tuy vậy, để triệt để hơn, cần xác định đúng, đủ giá đất khởi điểm. Trong thời gian tới, yêu cầu công khai dữ liệu đất đai là ưu tiên hàng đầu.
Có thể bạn quan tâm
Bắc Giang: Đấu giá đất sôi động trở lại
12:28, 04/06/2024
Thu hồi, đấu giá đất để không còn cảnh bỗng thành nhà mặt phố: Nên hay không?
03:00, 16/05/2024
Vụ sai phạm đấu giá đất ở Đông Anh: VKS đề nghị án treo với tất cả bị cáo
21:07, 17/04/2024
Vụ đấu giá đất Cổ Dương: Công ty Bắc Từ Liêm có quyền yêu cầu hoàn trả tiền đã đóng
15:50, 13/04/2024