Công ty Đấu giá hợp danh số 5 vừa thông báo về việc tạm dừng phiên đấu giá 26 lô đất tại Đan Phượng (Hà Nội) để rà soát quy trình, thủ tục, phương án đấu giá.
26 thửa đất trên có vị trí tại khu Trũng Vỡ, xã Tân Hội, diện tích 75-102 m2 được đấu giá vào ngày 30/9. Giá khởi điểm các lô này hơn 13 triệu đồng mỗi m2, tương đương tiền đặt trước 196-268 triệu đồng một lô.
Tuy nhiên, đơn vị tổ chức đấu giá đã thông báo tạm dừng buổi đấu giá do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng gửi công văn thực hiện công tác rà soát lại quy trình thủ tục, phương án đấu giá theo Luật Đất đai mới. Việc tiếp tục triển khai tổ chức đấu giá sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật và sẽ được thông báo công khai sau khi có quyết định và đề nghị của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, huyện Đan Phượng đã đấu giá thành công 85 thửa đất. Với tổng số hồ sơ tham dự lên tới hơn 1.200 bộ, tương đương mỗi lô đất có khoảng 14 khách hàng quan tâm.
Kết thúc buổi đấu giá, 85 thửa đất đã được bán thành công. Trong đó, lô trúng đấu giá cao nhất lên tới 99,2 triệu đồng/m2, cao gấp đôi giá khởi điểm.
Thời gian qua, các phiên đấu giá đất "nóng" ở các huyện ngoại thành Hà Nội là vấn đề gây chú ý, đặc biệt là vấn đề giá trúng quá cao, trong khi giá khởi điểm lại quá thấp.
Trong đó tại huyện Thanh Oai, giá trúng đấu giá đất dao động 51-100 triệu đồng/m2, tại huyện Hoài Đức, giá đất trúng đấu giá dao động trong khoảng hơn 90 đến 133 triệu đồng/m2. Ngay sau các phiên đấu giá, hầu hết những người trúng đều rao bán chênh từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng mỗi lô.
Tuy nhiên, đến nay phiên đấu giá lập đỉnh của 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba , thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) đã hết thời hạn nhưng mới chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền, đều là những lô có mức giá trúng thấp. Các lô trúng đấu giá cao và lô đỉnh điểm 100 triệu đồng/m2 đã chính thức bỏ cọc.
Theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam vấn đề bất cập nằm ở chỗ định giá ban đầu để người mua đặt cọc quá thấp. Ví dụ như mức giá trung bình một số nơi đấu thành công là 30 triệu đồng/m2 nhưng giá khởi điểm chỉ 7 triệu đồng/m2. Nguồn cung sản phẩm ra thị trường quá ít khiến người đặt cọc muốn mua để chuyển nhượng.
Còn theo một số chuyên gia, tình trạng đẩy giá trúng cao tại các phiên đấu giá bất động sản từng tái diễn không ít lần. Nhiều nhóm đầu cơ tham gia trong các phiên đấu chủ yếu trả giá cao để tạo ra mặt bằng giá mới rồi sau đó thoát hàng ra để chốt lời. Nếu những lô đất không thể sang tay sớm thì việc bỏ cọc sẽ xảy ra, gây nên hệ lụy cho thị trường và cả hoạt động kêu gọi đầu tư tại địa phương.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển chính sách đấu giá của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng. Những phiên đấu giá như vậy sẽ trở thành công cụ làm nhiễu loạn, gây méo mó cho thị trường bất động sản của địa phương. Từ đó, làm ảnh hưởng, không lành mạnh tới nền kinh tế chung và thị trường bất động sản.
Vị chuyên gia nhận định rằng nếu không có sự quyết liệt ngăn chặn nạn trả cao sau đó bỏ cọc thì sự việc có thể tiếp diễn tại các phiên đấu giá khác.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, bất thường đấu giá đất vừa qua chủ yếu xuất phát từ việc xác định giá khởi điểm và mức tiền đặt cọc.
"Tôi cho rằng cần có cơ chế, quy định để đơn vị tổ chức đấu giá có thể quyết định tăng tỉ lệ đặt cọc từ 20% lên 50% tùy tình hình. Việc này sẽ giải quyết vướng mắc việc xác định giá khởi điểm trong bối cảnh Luật Đất đai cũ và mới đang giao thoa" - ông Hiệp chia sẻ.