Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chính thức đi kiểm tra công tác đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức (Hà Nội) trong ngày 23/8.
Cụ thể, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Công điện 82/CĐ-TTg 2024 yêu cầu kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội đã ngay lập tức lên kế hoạch để kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội về việc cử đoàn kiểm tra đột xuất nắm tình hình công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại hai huyện kể trên. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành vào ngày 23/8.
UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại huyện Thanh Oai cao gấp từ 7-8 lần, huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần. Việc trúng giá cao bất thường có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.
Ngay sau đó, UBND huyện Hoài Đức cũng đã phát đi thông báo sẽ tạm dừng các phiên đấu giá 52 thửa đất, nằm ngay cạnh 19 lô đất vừa được đấu giá, để thực hiện việc kiểm tra, rà soát theo công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ. Toàn bộ tiền đặt cọc sẽ được hoàn trả lại. Theo kế hoạch trước đó, các phiên đấu giá này sẽ được tổ chức vào ngày 26/8 và 9/9.
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, những phiên đấu giá đất trên đã nhận nhiều quan tâm từ dư luận và lo ngại gây nhiều hệ lụy từ giới chuyên gia.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, nhận định kết quả đấu giá đất với mức giá cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng cho các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức giá trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung từ 2 - 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo.
“Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác”, ông Tuấn nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đặt ra những lo ngại quanh việc giá đất đấu giá vùng ven bị đẩy lên quá cao sẽ là cơ sở để nhiều môi giới thực hiện việc đẩy giá ở các khu vực khác.
Việc bất động sản tăng giá mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, mới có dấu hiệu phục hồi, thu nhập của người dân vẫn chưa ổn định là dấu hiệu của hiện tượng bong bóng, gây mất ổn định thị trường. Điều này có thể xuất phát từ việc nhóm đầu cơ tạo ra thông tin nhiễu loạn để đẩy giá thị trường nhằm trục lợi.