Tăng thuế với đồ uống có cồn: Cần lộ trình cụ thể
Đồng tình với mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn để bảo vệ sức khỏe và điều tiết tiêu dùng, thế nhưng, theo chuyên gia, cần có lộ trình cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích...
>> Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc việc áp dụng với một số mặt hàng
Theo đó, nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia trong việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ngày 30/7, Thời báo Tài chính Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”.
Thông tin tại Tọa đàm, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam - Phạm Thu Phong cho biết, trên cơ sở các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước đã được phê duyệt và chính sách về hoàn thiện đối tượng chịu thuế, thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia tại Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã Dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) và xây dựng 2 phương án tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030…
“Những sửa đổi của Dự thảo Luật này sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia trong việc sửa đổi Luật được Bộ Tài chính rất quan tâm, chú trọng”, ông Phong chia sẻ.
>> Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng
Tại Tọa đàm, đại diện cơ quan soạn thảo, bà Nguyễn Thuý Anh - Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cũng cho hay, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.
“Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 – 2018 nhưng thực tế cho thấy sức mua của người Việt Nam vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá tăng rất chậm. Hiện, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp”, bà Thúy Anh chia sẻ.
Theo bà Thúy Anh, tính toán của WHO, thuế rượu, bia của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Do vậy, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia từ năm 2016 - 2018 chưa đủ mạnh để tác động đến giảm tiêu dùng rượu bia. Trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia lên mức ít nhất tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm 40% giá bán lẻ.
Đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo trong việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn để bảo vệ sức khỏe và điều tiết tiêu dùng, thế nhưng, theo các chuyên gia, cần có lộ trình cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích...
Thống nhất quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), trong quá trình thay đổi chính sách, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế để áp dụng cho Việt Nam. Cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp để đáp ứng điều tiết cho 3 nhóm đồ uống có cồn theo đặc thù của từng nhóm.
Đồng thời, nghiên cứu để áp dụng mô hình áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp trong tương lai theo Quyết định 508/QĐ-TTg “nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.
“Quá trình thay đổi phương pháp tính thuế phải tính đến yếu tố xáo trộn chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường, tiêu dùng xã hội, theo đó cần có lộ trình cải cách cho từng giai đoạn, thời gian cụ thể… giúp doanh nghiệp, các đối tượng điều chỉnh của Luật được chuẩn bị kỹ càng cho tiến trình cải cách...”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đồng quan điểm, tại Tọa đàm đại diện các doanh nghiệp cũng cho hay, các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như rượu bia. Tuy nhiên, Dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng này, việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế.
Từ đó sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn, chưa kể, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh cũng sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu bia.
Từ thực tế đã nêu, đại diện các doanh nghiệp đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đảm bảo hài hòa lợi ích cũng như mục tiêu chính sách.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc việc áp dụng với một số mặt hàng
00:30, 27/07/2024
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá thế nào là hợp lý?
00:30, 18/07/2024
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick up, ảnh hưởng ra sao?
04:21, 17/07/2024
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần xem xét, đánh giá cẩn trọng
13:02, 16/07/2024
Chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt còn khiến doanh nghiệp quan ngại
15:15, 11/07/2024