Ủng hộ việc sử dụng công cụ thuế để hạn chế tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế TTĐB với thuốc lá cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng…
>> Chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt còn khiến doanh nghiệp quan ngại
Để góp phần hoàn thiện Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nói chung, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá nói riêng, ngày 16/7, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính phối hợp với Hội Tư vấn thuế Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá”.
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.
Tại Việt Nam có khoảng 40 nghìn người tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đây là những con số cho thấy tác hại đáng báo động của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy, việc phòng chống tác hại của thuốc lá hiện nay không còn là việc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà của toàn xã hội, của cả quốc gia và đã trở thành hoạt động chung trên toàn thế giới.
Theo TS Nguyễn Như Quỳnh, nhận thức được tác hại của thuốc lá, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã sớm vào cuộc nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và xã hội, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá nơi công cộng. Ngày 25/01/2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020”; và tiếp đó là “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030” được ban hành theo Nghị định số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023.
Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp, nhiều chương trình hành động, bao gồm cả việc tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình vào năm 2016 và 2019, nhưng kết quả thu được chưa cao, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá tại Việt Nam có giảm nhưng tốc độ giảm khá khiêm tốn, từ mức 47,4% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vào năm 2010 xuống 45,3% vào năm 2015 và khoảng 42,7% vào năm 2022.
“Một trong những lý do chính là do giá thuốc lá của Việt Nam nhìn chung còn thấp, hiện đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia theo đánh giá của WHO. Thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá tại Việt Nam theo Luật hiện hành ở mức 75% giá bán của nhà sản xuất; tuy nhiên, tổng các khoản thuế tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 38-39% trong giá bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam hiện nay, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các quốc gia có mức thu nhập trung bình (59%) và đa số các nước ASEAN (khoảng 60-70%), cũng như khuyến nghị của WHO và WB là khoảng 2/3 đến 3/4 giá bán lẻ.
Để tăng cường hiệu quả của việc phòng chống tác hại thuốc lá, tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 được Chính phủ ban hành theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, đặt ra giải pháp đối với chính sách thuế TTĐB là xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB”, TS Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ.
Cũng theo TS Nguyễn Như Quỳnh, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 tại Quyết định số 586/QĐ-TTg, theo đó cũng đề ra mục tiêu “Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% trong giai đoạn 2023-2025 và xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026-2030”; giao Bộ Tài chính “xây dựng lộ trình tăng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược; đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO; nghiên cứu phương án sử dụng cơ cấu thuế hỗn hợp”.
Ngày 08/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và được sự nhất trí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) về việc thông qua nguyên tắc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, tại hồ sơ Dự thảo Luật (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá và đưa ra 02 phương án tăng thuế theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030…
Ủng hộ quan điểm tiếp tục sử dụng công cụ thuế để hạn chế tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, thế nhưng, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, việc áp thuế TTĐB với thuốc lá cần được xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh.
Theo ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, việc sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, với phương án đề xuất của Bộ Tài chính về mức thuế TTĐB tuyệt đối cho mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà một cách đột ngột, đột biến và lớn sẽ tác động sâu rộng đến ngành thuốc lá.
Từ đó, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá nên được thực hiện từng bước, với mức độ vừa phải; kế hoạch tăng thuế TTĐB cần có lộ trình hợp lý và có tính định hướng dài hạn nhằm đạt được một cách hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng, nhưng cũng giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách Nhà nước, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, từ đó bảo vệ và hỗ trợ ngành thuốc lá nội địa chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có giá bán cao hơn, chất lượng tốt hơn, ít độc hại hơn.
Chia sẻ về mối liên hệ giữa phòng, chống thuốc lá lậu và chính sách thuế, ông Kiều Dương - Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng cho hay, tăng thuế TTĐB nhằm điều tiết hành vi người tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, khi thuế đối với sản phẩm thuốc lá hợp pháp tăng đột ngột, giá bán của sản phẩm thuốc lá hợp pháp cũng tăng cao, từ đó đẩy người tiêu dùng đến thuốc lá lậu. Người bán thuốc lá lậu tại chỗ và trên mạng sẽ hoạt động càng mạnh mẽ hơn do thuốc lá lậu không bị ảnh hưởng bởi thuế, dẫn đến mặt trận chống thuốc lá lậu vốn đã phức tạp trở nên nhiều thử thách hơn và ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục thất thoát.
“Trong bối cảnh công tác phòng, chống thuốc lá nhập lậu vẫn đang diễn biến phức tạp, chính sách thuế đối với thuốc lá hợp pháp cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách khoa học, hợp lý để làm suy giảm động lực của những người tham gia buôn lậu, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp trong nước đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu chung phòng, chống tác hại của thuốc lá”, ông Kiều Dương góp ý.
Có thể bạn quan tâm
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe pick up, ảnh hưởng ra sao?
14:25, 15/07/2024
Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần đảm bảo cân bằng lợi ích kinh tế và xã hội
00:30, 15/07/2024
Chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt còn khiến doanh nghiệp quan ngại
15:15, 11/07/2024
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick-up, lợi bất cập hại
06:24, 11/07/2024
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô pick-up, lợi bất cập hại
13:13, 09/07/2024