Cần sớm có Luật về khu công nghiệp
Để thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo các chuyên gia, cần sớm có Luật về khu công nghiệp...
>> Bất động sản khu công nghiệp khởi sắc, doanh nghiệp “họ Sonadezi” làm ăn ra sao?
Theo số liệu thống kê về tình hình phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến tháng 01/2024, cả nước có 416 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha; tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 296 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động, thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.
Tốc độ phát triển của các KCN, KKT không chỉ đóng vai trò quan trọng trong vào tổng thu ngân sách, mà còn tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam…
Mặc dù có những đóng góp quan trọng như đã nêu, thế nhưng, việc thúc đẩy phát triển các KCN, KKT, đặc biệt là các KCN sinh thái, tuần hoàn, bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững vẫn còn đó không ít tồn tại, hạn chế khi vẫn chưa có một hành lang pháp lý thống nhất.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển các KCN, KKT đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo các chuyên gia, cần sớm có Luật về khu công nghiệp.
>> Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ ngành bán dẫn
Nhìn nhận xoay quanh vấn đề này, TS. Phạm Hồng Điệp - Phó Chủ tịch Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam cho rằng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng mới các KCN sinh thái, hoặc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi thực hiện chuyển đổi, các đơn vị gặp không ít khó khăn.
Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng của 1 KCN sinh thái cao hơn ít nhất 20% so với các khu công nghiệp truyền thống. Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào KCN truyền thống, thay vì đầu tư vào KCN sinh thái, hoặc trở thành doanh nghiệp sinh thái.
Bên cạnh đó, khi KCN truyền thống chuyển đổi sang KCN sinh thái cũng gặp khó khăn. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp và cả KCN đều phải tuân thủ quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư của mình. Trường hợp thay đổi, có thể phải xin thẩm định lại đánh giá tác động môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường,…
“Cần sớm có Luật về khu công nghiệp, trong đó những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái. Các nhà đầu tư rất cần sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc tiếp cận quy hoạch, đất, hỗ trợ về thủ tục hành chính để giảm tối đa thời gian chuẩn bị đầu tư”, TS. Phạm Hồng Điệp kiến nghị.
Còn theo TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế chung, là mục tiêu quan trọng của mọi quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Trong việc phát triển tăng trưởng xanh, KCN sinh thái là mô hình phát triển đúng hướng vì thu hút đầu tư gắn với tiêu chuẩn xanh. Đây là biểu hiện của tư duy mới của các nhà hoạch định chính sách để đón dòng vốn đầu tư thế hệ mới cả trong và ngoài nước. Các KCN sinh thái xuất hiện sẽ tạo động lực mới để chuyển đổi KCN của cả nước theo tiêu chuẩn mới. Không chỉ có vậy, tiêu chuẩn xanh và sinh thái KCN còn thể hiện uy tín cao của Việt Nam trước thế giới bởi tính tích cực, chủ động hình thành KCN sinh thái. Nếu Việt Nam không có đủ số lượng KCN sinh thái sẽ mất đi cơ hội có thể thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng cùng với các dự án quy mô lớn, công nghệ cao của họ.
Từ thực tế đã nêu, vị chuyên gia này cho rằng, cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các KCN theo mô hình các KCN sinh thái. Nhà nước cần có các hỗ trợ nhất định về thuế, về tài chính, về đất đai... cho các đối tượng thực sự có khó khăn trong việc cần chuyển đổi mô hình KCN từ truyền thống sang sinh thái.
“Việc hoàn thiện quy hoạch các KCN cũng cần được coi trọng và cần xây dựng một hình mẫu làm căn cứ đối sánh cho các khu khác để điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp việc chuyển đổi này ở cả cấp quốc gia và địa phương”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang báo cáo Chính phủ đề cương Luật Khu công nghiệp - Khu Kinh tế, trong đó đề xuất các nhóm chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như: kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...
Có thể bạn quan tâm
Khu công nghiệp sinh thái: Hình mẫu “quảng bá” điểm đến đầu tư
16:57, 20/04/2024
Nhiều kết quả trong thực hiện Dự án triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
09:59, 12/04/2024
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần thêm chính sách ưu đãi tín dụng
04:00, 28/03/2024
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần tiếp tục hoàn thiện pháp lý
03:00, 24/03/2024
Phá rào cản khu công nghiệp sinh thái
03:30, 16/03/2024