Kinh tế thế giới

Kinh tế châu Á tiếp tục phục hồi, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

TRƯỜNG ĐẶNG 03/08/2024 04:00

Dữ liệu PMI của các nền kinh tế châu Á vẫn ở xu hướng tích cực trong tháng 7, nhưng đang phản ánh áp lực từ nhu cầu suy yếu và chi phí gia tăng đối với ngành sản xuất.

Các nền kinh tế châu Á vẫn chứng kiến tăng trưởng trong ngành sản xuất - động lực kinh tế chính

Châu Á vẫn chứng kiến tăng trưởng trong ngành sản xuất trong tháng 7/2024.

Sự phục hồi sản xuất ở châu Á dường như đã tiếp tục vào đầu nửa cuối năm nay, với dữ liệu khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất khá lành mạnh trong tháng 7, mặc dù khu vực này tiếp tục bị đe dọa bởi lạm phát gia tăng và nhu cầu sụt giảm.

>>ASEAN vượt Trung Quốc trong thu hút vốn FDI

Châu Á tăng trưởng sản xuất

Dữ liệu Chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) từ S&P Global cho thấy tăng trưởng đơn hàng mới cho khu vực ASEAN đạt mức cao nhất trong 15 tháng vào tháng 7, cải thiện trong 7 tháng liên tiếp. "Nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ, với đà tăng trong đơn hàng mới cho phép các công ty tăng sản xuất vào tháng trước và tuyển thêm nhân viên", ông Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết.

Tuy nhiên theo ông Maryam Baluch, áp lực lạm phát cũng tăng cường và có thể cản trở tăng trưởng, buộc các ngân hàng trung ương phải thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ.

Chỉ số PMI của các nền kinh tế châu Á đã phản ánh áp lực từ nhu cầu suy yếu và chi phí gia tăng đối với ngành sản xuất, vốn là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trong khu vực. Đài Loan và Hàn Quốc tiếp tục “dẫn đầu” khi họ hưởng lợi từ nhu cầu chưa có điểm dừng đối với các sản phẩm công nghệ cao. PMI của cả hai nền kinh tế cho thấy tăng trưởng vững chắc trong sản xuất và đơn hàng mới, là cơ sở cho sự lạc quan về doanh số và sản lượng tương lai của các nhà sản xuất.

Nhưng theo ông Paul Smith, giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, các công ty cũng cảnh báo về những rào cản tiềm ẩn đối với việc mở rộng thêm. Có dấu hiệu cho thấy hạn chế về công suất đang gia tăng ở Đài Loan, với lượng tồn kho tăng mạnh.

"Những chậm trễ trong giao hàng đã kiềm chế sản xuất, buộc các công ty phải sử dụng hàng tồn kho hiện có để đáp ứng yêu cầu sản xuất," ông nói, đồng thời lưu ý rằng những thách thức này có thể hạn chế tăng trưởng.

>>Nhà đầu tư mong chờ gì khi FED hạ lãi suất?

"Các công ty ở Hàn Quốc báo cáo rằng thời gian giao hàng trung bình kéo dài hơn vào tháng 7, giữa những gián đoạn logistics do cuộc khủng hoảng Biển Đỏ và tắc nghẽn cảng ở Trung Quốc", chuyên gia kinh tế Usamah Bhatti của S&P Global Market Intelligence cho biết.

Hiệu suất của ngành sản xuất Nhật Bản khá ảm đạm vào đầu quý ba năm 2024. PMI đã rơi vào vùng thu hẹp lần đầu tiên trong 3 tháng, trong khi giá đầu vào tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2023.

PMI của nền kinh tế số 1 châu lục Trung Quốc lại rơi vào vùng thu hẹp trong tháng 7

PMI của nền kinh tế Trung Quốc lại rơi vào vùng thu hẹp trong tháng 7.

Trái ngược với các nơi khác, ngành sản xuất của Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong tháng 7, mặc dù đơn hàng mới và sản lượng đã chậm lại.

Áp lực từ Trung Quốc

Điều đáng nói, hoạt động sản xuất nhà máy của Trung Quốc đã giảm, với PMI giảm lần đầu tiên trong 9 tháng, dù chủ yếu ổn định trong tháng 7. PMI của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) đã giảm xuống 49,4 từ 49,5 trong tháng 6.

Nhà kinh tế Erica Tay của Maybank vẫn lạc quan, cho rằng kết quả này cho thấy một sự điều chỉnh sau một giai đoạn hoạt động sôi động từ đầu năm đến nay, chứ không phải là sự suy yếu kéo dài. "Trong các quý sắp tới, chúng tôi tiếp tục mong đợi sản xuất sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Trung Quốc," bà nói.

Tâm lý vẫn ảm đạm giữa các nhà sản xuất khi nhu cầu trong nước giảm và áp lực từ căng thẳng thương mại gia tăng đối với nền kinh tế 18,6 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, khiến tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong quý hai.

Các nhà phân tích vẫn đang quan sát và kỳ vọng về mức độ mà chính phủ Trung Quốc có thể làm để kích thích khi nền kinh tế tiếp tục cho thấy ít dấu hiệu phục hồi. Wang Tao, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc và Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại UBS, cho biết có thể sẽ có thêm các đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của NHTW Trung Quốc và chi phí vay thấp hơn, nhưng dường như không có một chiến lược mới nào khác.

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát tiềm ẩn khi bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, theo các chuyên gia. "Sự gia tăng liên tục trong chỉ số giá sản xuất, được thúc đẩy bởi áp lực chi phí đầu vào và lao động, có thể báo hiệu áp lực lạm phát tiếp tục trong nền kinh tế," Pranjul Bhandari, nhà kinh tế trưởng tại HSBC cho Ấn Độ cho biết.

Lạm phát cao hơn có thể đẩy lùi thời điểm cắt giảm lãi suất ở một số quốc gia, mặc dù nhu cầu yếu hơn cả ở trong nước và quốc tế - một phần do điều kiện tiền tệ thắt chặt - cũng đặt ra một số rủi ro.

Có thể bạn quan tâm

  • Bùng nổ công suất trung tâm dữ liệu tại châu Á - Thái Bình Dương

    Bùng nổ công suất trung tâm dữ liệu tại châu Á - Thái Bình Dương
    03:00, 29/07/2024
  • Alibaba “khai chiến” thương mại điện tử ở Châu Á

    Alibaba “khai chiến” thương mại điện tử ở Châu Á
    02:30, 26/07/2024
  • Châu Á vẫn giữ vị thế trung tâm sản xuất chip toàn cầu

    Châu Á vẫn giữ vị thế trung tâm sản xuất chip toàn cầu
    04:00, 19/07/2024
  • ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng trong lo âu

    ADB: Kinh tế châu Á tăng trưởng trong lo âu
    03:00, 19/07/2024
  • Chương trình Net Zero của Vinamilk dành Giải thưởng Doanh nghiệp Trách nhiệm Châu Á

    Chương trình Net Zero của Vinamilk dành Giải thưởng Doanh nghiệp Trách nhiệm Châu Á
    14:14, 17/07/2024

TRƯỜNG ĐẶNG