“Siết” quy định giao mỏ khoáng sản: Phân cấp để quản lý hiệu quả hơn
Nếu việc phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản được thực hiện một cách bài bản, phù hợp với từng địa phương sẽ phát huy tính sự chủ động, góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam.
Theo TS. Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, tài nguyên khoáng sản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, là tài sản của toàn dân, do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, được quản lý và sử dụng có hiệu quả, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần phân cấp quản lý trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể quản lý để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản một cách hiệu quả.
Thiếu đồng bộ
Chiếu theo quy định của pháp luật, TS. Phạm Viết Thuận, cho rằng trong quá trình thực hiện quản lý khoáng sản tại các địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế xuất phát từ khâu phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ dẫn đến khó thực thi. Cụ thể, căn cứ theo Điều 80, 81, 82, 83 của Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định việc phân cấp quản lý khoáng sản của Việt Nam. Trong đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản; Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước; UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quản lý trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
“Rõ ràng, việc quản lý tài nguyên khoáng sản khi được phân cấp theo quy định trong Luật cho các địa phương, không chỉ làm cho hoạt động khai thác khoáng sản thuận lợi, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, mà còn đảm bảo khai thác tận thu nguồn tài nguyên quy mô nhỏ, lẻ để tránh việc khai thác manh mún, góp phần tăng thu cho ngân sách và phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường của địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung.
Thế nhưng, vì sao lại khó thực hiện? Đây chính là vấn đề cần phải xem xét lại để xác định nguyên nhân vì sao hạn chế, và chưa đồng bộ ở các cấp.
Nêu quan điểm về phân cấp, phân quyền về công tác quản lý tại các địa phương, ông Phan Thế Lựu - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên cho rằng, trong quá trình triển khai Luật Khoáng sản 2010, đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập khiến công tác quản lý ở địa phương rất khó khăn. Từ những bất cập trên đã phát sinh nhiều hệ luỵ dẫn đến cán bộ rất dễ bị vi phạm, thậm chí có nguy cơ mất cán bộ. Đơn cử, theo ông Lựu, vụ việc bắt quả tang doanh nghiệp khai thác trái phép 25.000m3 cát tại địa phương, thế nhưng suốt gần 4 năm vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm đã khiến một số cán bộ bị kiểm điểm, kỷ luật.
“Trong quá trình kiểm tra, rà soát thì mỏ cát sông Ba, thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà của Công ty TNHH Xây dựng Tân Tín. Đơn vị này đã cho Công ty TNHH SDMORTAR thuê quyền khai thác và doanh nghiệp này đã vi phạm khai thác ngoài ranh giới. Khối lượng cát phát hiện vi phạm, không rõ nguồn gốc là 25.000m3 đã vượt thẩm quyển xử lý của huyện. Do đó UBND huyện Sơn Hoà đã báo cáo với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng, nhưng gần 4 năm trôi qua vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Và đây chính là những bất cập xuất phát từ việc thiếu đồng bộ trong việc giao quyền và quản lý khoáng sản tại địa phương”, ông Lựu cho biết thêm.
Đẩy mạnh phân cấp
Nhận định về những bất cập trong quản lý khoáng sản, Luật sư Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH ALC Luật sư châu Á cho rằng, trước tiên phải nhìn nhận tài nguyên khoáng sản cần được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. Do đó, các cơ quan chức năng tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương để chủ động trong việc quản lý và tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao...
“Phải mạnh dạn phân cấp mạnh cho địa phương, song, muốn làm được điều đó, các cơ quan Trung ương (Bộ TN & Môi trường) phải phân nhóm, phân loại được các loại khoáng sản; đồng thời phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm quản lý khoáng sản cho địa phương, đảm bảo công tác phối hợp, quản lý để không thất thoát tài nguyên quốc gia”, Luật sư Vân nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Vân, trong quá trình phân nhóm khoáng sản phải làm sao để địa phương có thể tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở phân nhóm khoáng sản, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cũng cần cải cách thủ tục hành chính để phù hợp với từng nhóm khoáng sản để đạt được kết quả cao. Và từ việc phân nhóm trên, Bộ TN&MT đề xuất phân công, phân cấp cho UBND cấp tỉnh tiếp tục duy trì việc phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản như theo luật định.
Ngoài ra, Luật sư Vân cho rằng, cũng cần bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với các hạng mục, như: Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương; Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, để từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và mỗi địa phương.
Có thể bạn quan tâm
“Siết” các quy định giao mỏ khoáng sản: Áp dụng cơ chế đặc thù?
15:00, 24/07/2024
“Siết” quy định giao mỏ khoáng sản: Bít “lỗ hổng”, chống thất thoát
00:05, 11/07/2024
“Siết” các quy định giao mỏ khoáng sản
11:00, 07/07/2024
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Cân nhắc quy định về phân nhóm khoáng sản
03:30, 31/07/2024
Tránh thất thoát trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản
18:16, 28/06/2024