Phân tích - Bình luận

Khủng hoảng “xanh” Trung Quốc

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 05/08/2024 02:30

Đầu tư ồ ạt, vượt quá nhu cầu thực tế, ngành công nghiệp pin mặt trời Trung Quốc đã rơi vào tình trạng khủng hoảng.

nha-may-nang-luong-mat-troi-trung-quoc-17012545.jpeg
Các tấm pin mặt trời tại một nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Trong suốt 15 năm qua, Trung Quốc đã thống trị thị trường năng lượng mặt trời toàn cầu.

Vi phạm quy luật khách quan

Mọi sản phẩm lưu hành trên thị trường đều tuân theo quy luật “cung - cầu”, “giá trị - giá cả”. Nhưng đối với tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc dường như đã “bỏ qua” các bước cơ bản, nhảy vọt từ số 0 lên đến cực đại.

Một tính toán mới đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu đạt tổng công suất 1.100 gigawatt vào cuối năm nay, lớn gấp 3 lần so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cường quốc châu Á.

Hầu hết tấm pin năng lượng mặt trời đang được sử dụng hoặc lưu kho hiện nay trên thế giới đều được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc. Những cái tên như Longi Solar, Tongwei, Trina Solar, Risen Energy, Shunfeng, Jinko Solar, Yingli Green, Hunan Sunzone Optoelectronics,… chiếm lĩnh mọi bảng xếp hạng về công suất cũng như lợi nhuận trong lĩnh vực này.

Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trước. Xu hướng năng lượng xanh chưa thực sự phổ biến, sức cầu có hạn trong khi nguồn cung quá lớn đã khiến mức giá bán buôn pin năng lượng mặt trời Trung Quốc giảm gần 50% vào năm ngoái và đã giảm thêm 25% trong nửa đầu năm nay. Giảm giá tiếp tục là phương thức duy nhất để các doanh nghiệp Trung Quốc tồn tại. Điều này vô hình trung khiến ngành năng lượng xanh Trung Quốc rơi vào “cuộc đua xuống đáy”.

Đặc trưng phát triển của Trung Quốc là điều thấy rõ: Họ tập trung tối đa, huy động mọi nguồn lực để tạo ra những “nhà vô địch” về sản xuất, giúp chúng có thể lớn nhanh bất thường, chiến thắng trong mọi cuộc cạnh tranh về giá cả, mẫu mã cũng như công nghệ.
Đến lúc hết cửa ra thị trường quốc tế thì các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh khốc liệt với nhau. Ví dụ, Hunan Sunzone Optoelectronics từng được ưu đãi tối đa, thành lập một nhà máy khổng lồ ở Hồ Nam, nhưng chưa kịp gia nhập thị trường thì các đối thủ đi trước như Tongwei, Longi Solar đã thay mới hoàn toàn mới công nghệ. Điều này khiến Hunan Sunzone biến thành đống đổ nát, lỗi thời.

Tình trạng trầm trọng hơn khi hầu hết nguồn trợ cấp trong nước bị dừng lại; tấm pin mặt trời Trung Quốc bị đánh thuế cao. Một lần nữa, thế giới hồi hộp dõi theo chiêu thức biến hóa khôn lường của doanh nghiệp nước này. Sau tấm pin năng lượng mặt trời là gì?

gia pin
Diễn biến giá tấm pin năng lượng mặt trời qua các năm. Đơn vị: USD/watt - Nguồn: FT.


Cơ hội nào cho Việt Nam?

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đang hướng tới loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2050 và tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên 34%, tăng từ 23% vào năm 2022. Điều này sẽ tạo cơ hội cho ngành năng lượng mặt trời Việt Nam phát triển mạnh trong những năm tới.

Trong khi đó, mức thuế quan với tấm pin mặt trời Trung Quốc sản xuất tại Đông Nam Á xuất khẩu sang Mỹ bị đánh thuế đến mức “không khuyến khích”. Như vậy, bản thân các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng sẽ có nhiều cơ hội tự chủ xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, đặc biệt sang thị trường Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, tự chủ ở đây có nghĩa là phải sử dụng linh kiện hoàn toàn trong nước để tránh cơ chế phòng vệ thương mại của Mỹ. Thành phần kỹ thuật thương mại của một tấm pin năng lượng mặt trời bao gồm 8 bộ phận cơ bản: khung nhôm, kính cường lực, lớp màng EVA, tế bào quang điện, tấm nền pin (phía sau), hộp đấu dây, cáp điện, jack kết nối MC4 - tương đương với chừng ấy lĩnh vực sản xuất.

Điều này có ý nghĩa khuyến khích công ty khởi nghiệp trong nước nghiên cứu sản xuất các bộ phận linh kiện cấu thành, hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ khai khoáng đến chế biến, sản xuất đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang Mỹ.

Trong khi đó, khi tấm pin mặt trời Trung Quốc giảm giá sâu tạo điều kiện để phát triển các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam, giúp chi phí rẻ hơn, qua đó giảm giá điện thương mại, kích thích phát triển kinh tế.

Dĩ nhiên, nhu cầu năng lượng xanh là không thể đảo ngược ở Mỹ và châu Âu. Do vậy, khi doanh nghiệp Trung Quốc “bật” khỏi Đông Nam Á sẽ xuất hiện dòng đầu tư đến từ Mỹ, đồng minh và đối tác của họ. Xét trên mọi phương diện, chi phí sản xuất lĩnh vực này ở Việt Nam là tối ưu hơn.

Cũng như các giai đoạn trước, bài toán “quản lý thị trường” với các nước cận biên, như Trung Quốc luôn rất cam go một khi làn sóng hàng giá rẻ ồ ạt, đầu tư sản xuất thiếu minh bạch dễ khiến Việt Nam vướng vào vòng xoáy phòng vệ thương mại.n

TRƯƠNG KHẮC TRÀ