Tài chính doanh nghiệp

Rạng Đông Holding sẽ “hồi sinh”?

LÊ MỸ 10/08/2024 16:04

Lỗ lũy kế đã đạt tới hàng trăm tỷ đồng khiến triển vọng của Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (HoSE: RDP) ngày càng mờ mịt.

Bieu do T7
Cổ phiếu RDP đã liên tục giảm mạnh, hiện đang ở đáy.

Thực trạng này cùng với rất nhiều khó khăn hiện nay, đặc biệt là các thách thức của ngành nhựa, khiến Rạng Đông khó phục hồi sớm.

Vốn hóa RDP “bốc hơi” mạnh

Mở đầu tháng 8, VN-Index lội ngược về vùng 1.126 điểm, “bốc hơi” gần 25 điểm ngay trong một phiên. Áp lực bán của thị trường đến từ nhiều mã khác nhau, trong đó RDP với quy mô vốn hóa đã về mức rất khiêm tốn không tác động được mạnh vào chỉ số nhưng lại tác động đến tâm lý nhà đầu tư khi Chủ tịch HĐQT RDP Hồ Đức Lam đã bán giải chấp hơn 1,173 triệu cổ phiếu RDP trong phiên để thu về hơn 11,73 tỷ đồng.

Thêm một phiên giao dịch ngày 2/8, cổ phiếu RDP đã rơi về đáy với giá chưa bằng nửa ly trà đá, còn 2.410đ/cp, tổng giá trị vốn hóa chỉ còn hơn 118 tỷ đồng. Theo đó, trong vòng một năm qua, ngoại trừ thời điểm tháng 10/2023, RDP có quãng ngoi lên được trên mệnh giá, còn lại đã bốc hơi hơn 80% thị giá và giảm 75% kể từ đầu năm 2024 đến nay.

Thị giá lẹt đẹt của RDP diễn ra đi cùng việc vào diện cảnh báo của HoSE vào 27/5/2021 do lợi nhuận sau thuế (LNST) chưa phân phối tại 31/12/2020 âm (trừ 1 chặng phục hồi ngắn vào 2022). Tuy nhiên, điều khiến cổ phiếu RDP khó gượng lại chính là giai đoạn sau khi RDP bị phán quyết thua kiện đối tác Nhật Sojitz - đơn vị từng ký kết đối tác chiến lược với doanh nghiệp này vào 2017 và có thỏa thuận mua 5 triệu cổ phần thông thường, đã phát hành và thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần tại CTCP Nhựa Rạng Đông Long An với giá trị mua hơn 174 tỷ đồng nhưng sau đó kiện đòi bồi thường do “RDP đã vi phạm một số nghĩa vụ về việc đáp ứng các điều kiện sau chuyển nhượng”.

Rạng Đông Holding còn nhiều thách thức

Về hoạt động kinh doanh, tại quý II/2024, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ RDP âm 60,6 tỷ đồng và LNST chưa phân phối âm 266,4 tỷ đồng. Báo cáo tài chính thường niên năm 2023 của doanh nghiệp này đã được kiểm toán ghi nhận LNST của cổ đông công ty mẹ âm 142,5 tỷ đồng và LNST âm 205,7 tỷ đồng.

Nhua Rang Dong
Rạng Đông Holding còn nhiều thách thức. Ảnh: RDP

Tại cuối năm 2023, RDP có 3 công ty con, 2 công ty liên kết, định hướng trở thành tập đoàn nhựa quốc tế kinh doanh đa ngành, trọng tâm vẫn là ngành nhựa. Xét về triển vọng, nhựa là ngành mà cơ hội tăng trưởng vẫn còn rất lớn khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm của người dân không chỉ phụ thuộc vào chi tiêu, mà còn phụ thuộc vào cơ hội của chính các ngành công nghiệp, kỹ thuật và tăng trưởng GDP.

266,4 tỷ đồng là tổng số lỗ lũy kế của RDP tính đến cuối quý 2/2024, khiến doanh nghiệp khó phục hồi sớm.

Song thách thức mà ngành nhựa và bao bì nhựa nói chung đang phải đối mặt ngày càng lớn từ phía người tiêu dùng, Chính phủ liên quan đến vấn đề môi trường và ô nhiễm. Sản phẩm nhựa và bao bì nhựa được sử dụng rộng rãi, tạo ra lượng lớn rác thải nhựa chậm phân hủy trong tự nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, động vật và môi trưởng, bao gồm cả đất đai và đại dương, theo phân tích SWOT của chính RDP.

Ngoài ra, ngành nhựa theo RDP, có tiềm năng cũng đồng nghĩa sức cạnh tranh cao, nhất là từ đối thủ nước ngoài và các doanh nghiệp FDI trên sân nhà.

Với bức tranh tài chính không mấy khả quan, RDP đẩy mạnh khai thác và mở rộng thị trường để tăng doanh thu, đặc biệt là mảng bao bì, giả da, màng mỏng; mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm y tế, giả da; nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm; tiết giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng từ công nghệ đến làm thị trường sẽ đòi hỏi nguồn vốn lớn. Đây là bài toán khó với RDP.

LÊ MỸ