Kinh tế thế giới

Điều gì giúp Đông Nam Á ứng phó tốt với biến đổi khí hậu?

Cẩm Anh 16/08/2024 03:00

Là khu vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nhưng Đông Nam Á cũng là nơi có sự chuẩn bị tốt nhất trong việc đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

untitledb.jpg
Lũ lụt trên sông Marikina do bão ngoài khơi Gaemi vào ngày 24 tháng 7 năm 2024, tại Manila, Philippines. Ảnh: AP

Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất, nhưng một phân tích mới được công bố cho thấy người dân trong khu vực cũng cảm thấy được trang bị tốt nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các quốc gia trong và xung quanh Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi dễ xảy ra động đất, bão và các mối nguy hiểm khác, cũng là những nơi được chuẩn bị tốt nhất để ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Gallup cho Lloyd's Register Foundation cho thấy các khu vực khác lại không làm được điều này.

Benedict Vigers, cố vấn nghiên cứu của Gallup, chia sẻ với The Associated Press rằng: "Việc thường xuyên tiếp xúc với nguy hiểm không phải là yếu tố duy nhất quyết định mức độ chuẩn bị của các quốc gia".

Khảo sát của Gallup cho thấy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai, đồng thời ông Vigers cho biết thêm, cách tiếp cận rộng hơn của khu vực này bao gồm xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả và rộng khắp, cũng như thực hiện cách tiếp cận cộng đồng mở rộng và hợp tác khu vực, cùng khả năng tiếp cận tốt với nguồn tài chính ứng phó thiên tai đã mang lại hiệu quả.

Ông cho biết: "Thành công của Đông Nam Á trong việc chuẩn bị ứng phó thiên tai có thể đến từ mức độ tiếp xúc cao với thiên tai, mức độ phục hồi tương đối cao, và cách tiếp cận cũng như đầu tư vào quản lý rủi ro thiên tai nói chung của khu vực".

40% số người được khảo sát ở Đông Nam Á cho biết họ đã trải qua một thảm họa thiên nhiên trong 5 năm qua, trong khi 36% người dân ở Nam Á cũng cho biết như vậy.

Nhưng 67% người dân Đông Nam Á cảm thấy họ được chuẩn bị tốt nhất để bảo vệ gia đình và 62% có kế hoạch để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, trong khi người dân ở khu vực Nam Á cảm thấy ít sẵn sàng hơn, với 49% cảm thấy họ được chuẩn bị tốt nhất và 29% người dân có sẵn các kế hoạch để đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan.

ictvietnam-mediacdn-vn-photo-1655865052544-1655865053510995064170.jpg
Biến đổi khí hậu luôn là một vấn đề nhức nhối hiện nay, nhất là đối với khu vực Đông Nam Á. Ảnh: AFP

Những người dân sống tại Bắc Mỹ, nơi ít có khả năng xảy ra thảm họa hơn đáng kể so với Đông Nam Á, cho biết họ chỉ cảm thấy ít sẵn sàng hơn một chút, trong khi những người dân ở khu vực như Bắc Âu và Tây Âu nằm trong nhóm giữa.

Ed Morrow, Giám đốc của Lloyd's Register Foundation, một tổ chức từ thiện toàn cầu có trụ sở tại Anh nhận định, kết quả nghiên cứu từ Đông Nam Á, chủ yếu bao gồm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, cho thấy sự giàu có không phải là yếu tố quyết định trong công tác ứng phó và chuẩn bị ứng phó thảm họa thiên nhiên.

"Đông Nam Á là một khu vực có nhiều điều để các khu vực tham khảo cho việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa", ông Ed Morrow nói thêm.

Trên toàn thế giới, không có quốc gia nào được xếp hạng cao hơn Philippines về việc trải qua các thảm họa thiên nhiên trong năm năm qua. Đây cũng là một trong bốn quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình có kế hoạch ứng phó thảm họa cao nhất. Tất cả các quốc gia này đều ở Đông Nam Á: Philippines (84%), Việt Nam (83%), Campuchia (82%) và Thái Lan (67%). Những quốc gia có tỷ lệ thấp nhất là Ai Cập, Kosovo và Tunisia, tất cả đều có 7%.

Ông Morrow cho biết: "Những dữ liệu từ các cuộc khảo sát này sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin để các chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế sử dụng; từ đó đưa ra thông báo và nhắm mục tiêu vào các chính sách và biện pháp can thiệp giúp người dân có cuộc sống an toàn hơn".

Cẩm Anh