Chứng khoán chưa dứt cơn điều chỉnh
Khối lượng giao dịch trên TTCK vẫn có dấu hiệu suy giảm, cho thấy kịch bản thị trường quay lại xu hướng điều chỉnh từ đầu tháng 7 vẫn chưa dừng lại.
Nhiều yếu tố ở cả trong nước và quốc tế đều đang có thể sẽ tác động tiêu cực đến một số nhóm ngành.
Còn nhiều bất ổn
Xét theo góc độ vĩ mô, các yếu tố cơ bản từ nền kinh tế cũng chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, mặc dù số liệu về xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, trong tháng 7 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 70,12 tỷ USD, tăng 9,4% (tương ứng tăng 6 tỷ USD).
Đây cũng tháng đầu tiên xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được mốc kim ngạch 70 tỷ USD/tháng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2%; xuất siêu 14,53 tỷ USD. Đây là yếu tố đang giúp cho tỷ giá USD/VND ổn định hơn trong thời gian qua.
Tuy nhiên, câu chuyện thép Việt HRC của Tập đoàn Hòa Phát và Forrmosa chính thức bị Liên minh châu Âu (EU) điều tra chống bán phá giá đang cho thấy nhiều quốc gia khẩn trương phòng vệ trước diễn biến hàng giá rẻ. Hệ lụy của tình trạng giảm phát tại Trung Quốc đang là hàng giá rẻ thống trị, khiến nhiều quốc gia lo ngại. Trong kịch bản thép Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá thì nhiều khả năng sẽ có thêm những mặt hàng khác bị đưa vào danh sách này. Điều đó sẽ tạo sức ép lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhìn vào giá dầu, vàng, đồng… lại đang cho thấy sự bất ổn vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Giá kim loại đồng, một yếu tố quan trọng để đánh giá nền kinh tế toàn cầu lại đang suy giảm đáng kể từ đầu tháng 5 đến nay. Rủi ro tiềm tàng đến từ Trung Đông, diễn biến tại Anh, Pháp hay Bangladesh và các diễn biến mới trên chiến trường Nga – Ukraine đang khiến cho nền kinh tế toàn cầu chịu tác động lớn. Những yếu tố này hoàn toàn có thể khiến cho kinh tế toàn cầu chịu nhiều tác động.
Trong khi đó, câu chuyện từ Nhật Bản chưa hẳn đã êm xuôi nhanh như vậy. Trong kịch bản Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, và nếu như mức cắt giảm là 0,5% thì chênh lệch lãi suất sẽ thu hẹp nhanh hơn nhiều so với việc Nhật bản tăng lãi suất trước đó. Rất có thể, nhịp tăng vừa qua chỉ là một nhịp hồi phục, thay vì là một xu hướng tăng điểm mới xuất hiện.
Áp lực bán gia tăng
TTCK toàn cầu đã hồi phục sau cú bổ nhào đầu tháng 8 vừa qua. Chỉ số tâm điểm là Nikkei 225 của Nhật hồi phục 16% từ đáy sau khi giảm mạnh từ đỉnh 42.426 điểm. Các chỉ số khác như DJ30, S&P 500, FTSE 100 hay KOSPI cũng đều hồi phục tương đối mạnh. Tuy nhiên, VN-Index chỉ hồi phục gần 4% tính từ mức đáy 1.184,5 điểm.
Tính đến hết phiên 14/8, thị trường có 7 phiên giao dịch được đánh giá là hồi phục nhưng có vẻ như nhịp hồi bắt đầu suy yếu. Thanh khoản thị trường chỉ duy trì khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng, giảm gần 20% so với trước đó, cho thấy dòng tiền không mạnh.
Quan sát chung cả thị trường nhận thấy không có quá nhiều cổ phiếu tạo ấn tượng trong giai đoạn này, ngoại trừ cú bứt phá của VHM sau thông tin mua số lượng lớn cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên ngay sau đó, cổ phiếu này lại có dấu hiệu điều chỉnh, trong khi khối ngoại tận dụng thông tin trên đẩy mạnh bán ròng với khối lượng rất lớn ra thị trường.
Mặc dù VN-Index đang loanh quanh tại mốc 1.230 điểm nhưng trong một vài phiên gần nhất, các cổ phiếu vốn hóa lớn đang có xu hướng giữ nhịp rất rõ. Các cổ phiếu như VCB, VNM, GAS, MSN… và nhóm ngân hàng liên tục ‘gánh’ điểm số. Một vài cổ phiếu nóng trước đây như FOX, DGC, FPT, ACV… còn tạo ra nhịp tăng tích cực. Nhưng không ít cổ phiếu khiến nhà đầu tư (NĐT) chán nản và liên tục giảm điểm như VGI, HPG, VND… hoặc đi ngang như STK, TCB…
Nhìn chung trong 7 phiên vừa qua, số cổ phiếu tăng giá là không nhiều, và điều này khiến những NĐT bắt đáy sẽ khó khăn hơn. Áp lực bán sẽ gia tăng với bất cứ cổ phiếu nào tăng giá mạnh vào thời điểm này.
Nhìn trên góc độ kỹ thuật, chỉ số VN-Index có 2 lần tăng trở lại sau khi chạm đến đường MA200 kể từ đầu năm đến nay bao gồm cả nhịp giảm đầu tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, sau một số phiên đầu tiên tăng mạnh nhờ dòng tiền bắt đáy, các cây nến tăng điểm đang ngày càng thu hẹp lại. Trong khi đó, khối lượng giao dịch không gia tăng mà có dấu hiệu suy giảm, cho thấy kịch bản thị trường quay lại xu hướng điều chỉnh từ đầu tháng 7 vẫn chưa dừng lại.