Phân tích - Bình luận

Phương Tây đối mặt bài toán "hóc búa" về chuỗi cung ứng xanh

Trương Khắc Trà 19/08/2024 04:00

Với việc áp đặt rào cản thương mại với xe điện, pin mặt trời Trung Quốc, phương Tây đối diện nỗi lo mất kết nối với chuỗi cung ứng xanh.

gia-dong-co-the-co-nhip-dieu-chinh-giam-khi-thi-truong-danh-gia-lai-trien-vong-tieu-thu-cua-trung-quoc.jpg
Trung Quốc kiểm soát phần lớn kim loại đồng trên thế giới (Ảnh: TH)

Với việc áp đặt rất nhiều rào cản thương mại với hàng hóa Trung Quốc- trong lĩnh vực xe điện, pin mặt trời, pin xe điện, các nước châu Âu đồng thời phải đối diện với nỗi lo mất kết nối với chuỗi cung ứng này.

Trong ngành công nghiêp chế tác đồng, kim loại không thể thiếu trong các công nghệ mới nổi như năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và xe điện, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong các phân khúc chính của chuỗi cung ứng.

Mỹ, Canada, Australia và các nước châu Âu tìm cách thay thế quyền nắm giữ chuỗi cung ứng đồng thông qua trợ cấp và đầu tư. Nhưng, Viện nghiên cứu kinh tế Wood Mackenzie cảnh báo rằng, mục tiêu kép là khử cacbon và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh đang mâu thuẫn trầm trọng với nhau.

Khai thác và chế biến kim loại đánh đổi cái giá rất lớn về môi trường sinh thái, đi ngược lại với cam kết chống biến đổi khí hậu. Sẽ cần số vốn hàng trăm tỷ USD, xây dựng năng lực chế tạo và chế biến đồng mới để thay thế Trung Quốc.

Đạo luật giảm phát IRA tại Mỹ cũng không thể kích thích ngành khai khoáng kim loại trong lòng đất, một phần vì chi phí quá cao; mặt khác nhiều quy chuẩn môi trường không cho phép được vượt qua.

Kể từ năm 2000, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 75% tăng trưởng công suất các nhà máy luyện kim của thế giới. Nước này cũng chiếm khoảng 80% công suất chế tạo đồng và hợp kim đồng trên toàn cầu kể từ năm 2019.

Nhu cầu về kim loại này có thể tăng 75% lên 56 triệu tấn vào năm 2050. Theo Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA), các mỏ đồng hiện tại và các dự án đang được xây dựng sẽ chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu đồng vào năm 2030, cho thấy nguy cơ thiếu hụt kim loại này.

Hiện nay, hầu hết hoạt động khai thác nguyên liệu đồng trên thế giới diễn ra chủ yếu ở châu Mỹ và châu Phi, trong đó sản lượng khai thác nội địa của Trung Quốc chỉ chiếm 8% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên Trung Quốc mới là ông chủ các mỏ đồng lớn nhất.

Chuỗi cung ứng đồng bao gồm một số giai đoạn chính, như: khai thác, luyện kim và tinh chế, chế tạo và sản xuất hàng hóa thành phẩm. Những gì phần còn lại của thế giới có ở các mỏ đồng đều thiếu hụt năng lực quan trọng mà Trung Quốc nắm giữ trong lĩnh vực chế biến và sản xuất ở hạ nguồn.

mo-quang-congo-1630837589159657474743.jpg
Khai thác quặng đồng gây ra nhiều hậu quả môi trường (Ảnh: Reuters)

Nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, với thế mạnh gần như tuyệt đối trong chuỗi cung ứng xanh, tại sao Trung Quốc chưa tung đòn trả đũa Mỹ và EU? Xử lý mâu thuẫn thương mại, chính trị với phương Tây - Bắc Kinh đang thi triển đối sách chậm, chắc nhưng kiên quyết.

Thực tế, Trung Quốc vừa là quốc gia thu mua đồng lớn nhất thế giới, khiến sản lượng trong nước dôi ra khổng lồ, lên tới 0,3 triệu tấn trong một tháng. Trong khi đó lượng đồng tồn trữ toàn cầu vẫn đang ở mức thấp nguy hiểm, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong vài ngày.

Đây là cách thường thấy để các nhà sản xuất tại Trung Quốc làm chủ toàn bộ chuỗi cung ứng - không chỉ với kim loại đồng. Nghĩa là họ không chỉ nắm quyền sản xuất mà còn chi phối đến nguồn cung ra thị trường, cho dù không ít quốc gia tham vọng tách khỏi sự phụ thuộc này.

Trương Khắc Trà