Tiềm năng hợp tác Việt Nam - Trung Quốc
Việt Nam và Trung Quốc là cặp quan hệ song phương đặc biệt về thương mại, đầu tư với hệ giá trị hiện thực phong phú, tiềm năng rộng mở.
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc từ ngày 18-20/8/2024 được kỳ vọng sẽ tiếp tục khơi dậy tiềm năng hợp tác giữa 2 nước.
Ý nghĩa của thị trường Trung Quốc
Trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là trong thời kỳ mở cửa hội nhập, xây dựng và phát triển kinh tế, nguồn lực kinh tế, thương mại từ Trung Quốc luôn đóng vai trò đòn bẩy không thể thiếu để nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.
Với tốc độ phát triển đứng top đầu thế giới trong vài thập kỷ liên tục, Trung Quốc đã tạo ra “vùng tăng trưởng” sôi động bậc nhất. Trung Quốc có thể cung cấp bất kỳ giải pháp nào về nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra, logictics, kênh phân phối,… với chi phí vô cùng cạnh tranh.
Từ đầu những năm 90, những nông sản Việt Nam tiêu biểu bắt đầu tiến vào thị trường màu mỡ này, dễ dàng được chấp nhận nhờ “hàng rào kỹ thuật” vừa phải; hầu như mọi sản phẩm từ nông nghiệp đều có thế bán sang bên kia biên giới cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Tại sao nhấn mạnh việc xuất khẩu nông sản? Bởi vì đây là mặt hàng chủ lực, có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam - dựa trên “xương sống” nông nghiệp. Nói cách khác, thị trường Trung Quốc rộng lớn đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp “tự cung, tự cấp” của Việt Nam lên “sản xuất hàng hóa”.
Trái cây, rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc từ 30 năm trước, ngày nay là mặt hàng tỷ USD, “ngồi” chung mâm với nhóm các sản phẩm công nghệ cao - phần nhiều thuộc sở hữu trí tuệ của các tập đoàn FDI.
Thị trường Trung Quốc là nơi duy nhất có thể tạo ra những “đột phá” xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản sản nước ta. Ngược lại, thị trường này cũng là nguồn cung hầu hết nguyên phụ liệu đầu vào cho mọi quá trình sản xuất, chế biến tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm nay sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 1,65 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ. Xét về số dự án đầu tư mới, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu khi chiếm 29,7%. Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tăng cường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tiềm năng bất tận
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc từ ngày 18-20/8/2024 không nằm ngoài mục đích củng cố mối quan hệ toàn diện giữa hai nước. Tại cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, trong đó thúc đẩy kết nối “hai hành lang, một vành đai” với “vành đai con đường,” tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới, tăng cường giao lưu về cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh những thay đổi môi trường thương mại, đầu tư theo hướng nâng cao, phù hợp với tiến trình phát triển chung, hai nước đang nắm giữ tiềm năng gần như vô hạn để tạo ra nhiều lĩnh vực hợp tác thực chất, hiệu quả, cùng thắng lợi, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Thứ nhất, so với dung lượng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đáp ứng một phần.
Đơn cử, với hơn 1,4 tỷ dân và GDP đầu người cao, mỗi năm Trung Quốc chi đến 16-17 tỷ USD để nhập khẩu rau quả nhiệt đới. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với các nước trong ASEAN trong quan hệ thương mại với Trung Quốc khi có cùng biên giới, thuận tiện vận chuyển cả đường bộ, đường sắt lẫn đường biển.
Thứ hai, dòng vốn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc đại lục, các vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan đang “đổ bộ” ra bên ngoài, đáp ứng sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó tỷ lệ vốn rất lớn liên quan đến ngành kinh tế có tính xu hướng, như năng lượng sạch, pin xe điện, tấm năng lượng mặt trời, hệ sinh thái ngành bán dẫn.
Thứ ba, tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa 2 nước trước mắt sẽ mở ra vô hạn nếu hai nước duy trì kết nối ở mọi cấp độ để tăng cường thấu hiểu tin tưởng lẫn nhau, giải quyết triệt để các bất đồng nhằm hướng tới quan hệ song phương bền chặt.n