Cần tăng cường cơ chế thu hút đầu tư trong công nghiệp công nghệ số
Góp ý Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, chuyên gia cho rằng, việc có chính sách ưu đãi hấp dẫn là chưa đủ, cần phải có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả…
Theo đó Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số đang được Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo đã cho thấy những góc nhìn mới, quyết liệt hơn trong cách tiếp cận phát triển công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam, đặc biệt, với Dự thảo Luật cũng đưa ra các chính sách ưu đãi vượt trội hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, cùng với đó là chính sách cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực với rất nhiều cơ hội này.
Không chỉ có vậy, Dự thảo cũng được cho đã kịp thời đưa vào những nội dung liên quan đến những mảng tiềm năng nhưng còn thiếu cơ chế quản lý và phát triển như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...
Đồng thời, các chính sách cho phép cơ chế thử nghiệm cũng đã thể hiện tư duy cấp tiến hơn so với các chính sách hiện hành, là điều rất cần thiết để phát triển một lĩnh vực đầy biến động và đòi hỏi sự linh hoạt trong cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thử nghiệm ý tưởng của mình.
Ngoài ra, Dự thảo cũng đã cân nhắc những yếu tố quan trọng của một chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt đối với một ngành như công nghệ số, trong đó bao gồm việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thông qua chính sách cho doanh nghiệp, tổ chức trong nước cũng như quốc tế; đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ người tiêu dùng, người lao động; và mang tính đột phá cũng như tạo khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã nêu, góp ý xây dựng, hoàn thiện, chuyên gia cho rằng, trong Dự thảo hiện nay chưa thể hiện rõ tầm nhìn của việc tại sao lại cần ban hành Luật Công nghiệp Công nghệ số. Bởi, hiện Dự thảo cũng như tờ trình mới chỉ dừng ở việc lý giải sự cần thiết của Luật để phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số, để thực hiện các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây như Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII...
Theo bà Nguyễn Phương Ly - Giám đốc dự án Viện Tony Blair tại Việt Nam, Nghị quyết đã nêu là những định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số ở Việt Nam, tuy nhiên, chưa định hình được vị thế và chiến lược riêng của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực, bao gồm sự khác biệt mà Việt Nam mong muốn đem lại cũng như có thể định vị mình trên bản đồ công nghệ số thế giới ra sao. Ví dụ như: Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc có định vị Hàn Quốc trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư về công nghệ. Tương tự như vậy, Việt Nam có thể định vị mình trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á cho các nhà đầu tư công nghệ số.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật, bà Ly cũng cho hay, đối với một ngành công nghiệp đang có nhiều biến động không ngừng cũng như có tính cạnh tranh cao trên quốc tế cũng như trong khu vực như công nghệ số, việc Nhà nước đưa ra những chính sách ưu đãi vượt trội cho nhà đầu tư là rất quan trọng, và Dự thảo Luật cũng đã bước đầu đưa ra những đề xuất vượt trội này so với các ưu đãi đầu tư hiện hành.
Tuy nhiên, để có thể mang tính cạnh tranh hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài thì việc có ưu đãi hấp dẫn chưa đủ, mà cần phải có cơ chế thu hút đầu tư mang tính chiến lược và hiệu quả. Đây là điều mà nhiều quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới đều đã thực hiện và thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, điểm 2.h, Điều 39 trong Dự thảo Luật có nói đến việc “hình thành mạng lưới đại diện công nghiệp công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài”, tuy nhiên Dự thảo hiện nay chưa nêu bật được vai trò của cơ quan đầu tư nước ngoài trong việc thu hút đầu tư cũng như những cơ chế cần thực hiện hoặc thay đổi để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài ở một lĩnh vực mang tính chiến lược như công nghệ số.
Vì vậy, bà Ly đề xuất bổ sung về cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp công nghiệp số ở Việt Nam như, thành lập bộ phận phụ trách đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm mục đích trở thành đầu mối chính làm việc với nhà đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ cung cấp thông tin về ngành, chính sách cũng như các ưu đãi của Chính phủ, giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, cũng như là cầu nối giữa nhà đầu tư và địa phương.
“Đây là mô hình đã được thực hiện ở một số quốc gia như Cục xúc tiến thương mại và đầu tư của Đức, với những bộ phận chuyên trách về từng lĩnh vực cụ thể là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của Đức như ngành công nghiệp vận tải, sản xuất công nghiệp, năng lượng... nhờ việc chuyên môn hóa, những bộ phận này có thể cung cấp thông tin sát với nhu cầu của nhà đầu tư cũng như hỗ trợ kết nối kịp thời với các cơ quan liên quan”, bà Ly chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, đối với những thị trường được xác định là trọng điểm trong việc thu hút nhà đầu tư về công nghiệp công nghệ số, kiến nghị có đại diện xúc tiến đầu tư phụ trách chuyên môn tại thị trường này để tích cực tham gia vào việc tiếp xúc với nhà đầu tư và cơ chế đãi ngộ, xây dựng năng lực cho đội ngũ này sẽ cần được nghiên cứu và bổ sung trong các hướng dẫn chi tiết…