Bình Dương: Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững
Để tạo sự chuyển biến trong ngành nông nghiệp cũng như khai thác và phát huy thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, song Bình Dương vẫn quan tâm đến lĩnh vực này, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Bình Dương đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tiếp tục cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn có cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc.
Ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện của từng vùng, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bình Dương đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện, tỉnh đã hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo), Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp, xã Phước Sang (huyện Phú Giáo)...
Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 5.760 ha diện tích đất canh tác ứng dụng công nghệ cao. Lĩnh vực chăn nuôi cũng chuyển biến tích cực theo hướng tập trung, quy mô lớn, tỷ lệ chăn nuôi trang trại chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh.
Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo và nâng tầm phát triển nông nghiệp Bình Dương.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã cấp 27 mã vùng trồng/16 cơ sở; 16 mã cơ sở đóng gói/13 cơ sở. Có 462 tổ chức/cá nhân được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Chương trình OCOP đạt được nhiều kết quả tích cực, đã công nhận 126 sản phẩm OCOP/60 chủ thể, trong đó 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Bình Dương cũng là một trong những địa phương đạt kết quả cao trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật để hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Dương, trong những năm qua, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vận hành theo cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ mới là động lực chủ yếu tạo giá trị gia tăng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; chất lượng sản phẩm nông sản được nâng cao, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ.
Những kết quả đã đạt được của ngành nông nghiệp Bình Dương không chỉ phản ánh sự chuyển dịch đúng hướng, mà còn cho thấy việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp được Bình Dương tập trung thực hiện. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với các mục tiêu của chương trình.
Để tiếp tục nâng cao giá trị cho nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới, OCOP, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số, cấp và quản lý mã số vùng trồng…Lồng ghép phát triển nông nghiệp đô thị với các chương trình trọng tâm của ngành. Đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng giao dịch thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Đồng thời, tăng cường chuyển giao công nghệ mới và nhân rộng các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong nông dân. Ứng dụng các thành tựu của Cuộc CMCN 4.0, đẩy mạnh liên kết "4 nhà" để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Dương cho biết, với vị thế là tỉnh có mức độ đô thị hóa cao, tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu cả nước đã tạo nhiều lợi thế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp của tỉnh về chi phí nhân công, đất đai, cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Trước những khó khăn thách thức nói trên, ngành nông nghiệp Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo và đạt được nhiều bước tiến lớn, nhiều lĩnh vực được đánh giá là đi đầu cả nước. Ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu có trọng tâm, trọng điểm, tạo cơ sở vững chắc cho sản xuất trong giai đoạn mới.
Bình Dương tiếp tục phát huy nền tảng đã có, vận dụng sáng tạo hơn nữa nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn liền với định hướng mới của Đề án Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Đồng thời, ngành bứt phá, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia công sang sản xuất chuyên nghiệp, tiên tiến ứng dụng công nghệ, phát huy tiềm lực, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với làng thông minh, đưa nông nghiệp, nông thôn lên một tầm cao mới.
Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.