Nông nghiệp cũng là lĩnh vực đi đầu trong bán tín chỉ carbon thu “tiền tươi thóc thật”, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần vượt qua.
Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án chuyển nhượng gần 6 triệu tấn carbon (CO2) còn dư vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 – 2019. Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường tìm năng và hiện đã lọt vào top 15 trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon.
Đặc biệt với ngành nông nghiệp cũng là lĩnh vực đi đầu trong bán tín chỉ carbon. Thực tế trong vài năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon, thu “tiền tươi thóc thật” với giá trị lên đến khoảng 60 triệu USD.
Theo ước tính, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ. Nhiều địa phương cũng đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ cacbon rừng.
Theo ông Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế cao khi nhu cầu thế giới được dự báo tăng gần 100 lần vào năm 2050. Ngành nông nghiệp Việt Nam, từ chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng đều có triển vọng chuyển hướng sang canh tác, sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, với các giải pháp sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ…
“Hiện cứ mỗi tín chỉ carbon (tương đương với giảm phát thải 1 tấn khí CO2) đang được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD. Riêng trong ngành nông nghiệp Việt Nam, tính toán tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 giảm phát thải), có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế đem về gần 300 triệu USD/năm”, ông Lê Hoàng Thế nhận định.
Tiềm năng là vậy, song việc bán tín chỉ carbon tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do khung pháp lý còn chưa theo được thực tiễn.
Theo kế hoạch của Chính phủ, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2025 và vận hành chính thức 3 năm sau đó. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, rải rác ở nhiều văn bản; phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, còn có những hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa…
Các chính sách về carbon rừng còn đang thiếu những quy định chung, nhằm hài hòa giữa giao dịch tín chỉ carbon theo thị trường và theo cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý đối với việc xác định bản chất tài sản của tín chỉ carbon rừng hay mối quan hệ giữa sở hữu tín chỉ carbon rừng với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng cũng sẽ dẫn đến những bất cập trong việc chuyển nhượng và chia sẻ lợi ích từ nó.
Vấn đề hạn ngạch giảm phát thải đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu NDC và tiềm năng tín chỉ carbon rừng có thể thương mại của từng địa phương chưa được xác định, phân bổ. Thông tin, nhận thức của nhiều bên liên quan đến dịch vụ carbon rừng còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, tiêu chuẩn carbon rừng và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định, cấp tín chỉ để áp dụng cho thị trường carbon trong nước chưa được xây dựng.
Bộ NN&PTNT cho biết sẽ triển khai đánh giá tiềm năng giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cấp quốc gia, vùng, địa phương đến năm 2030 và có tính đến năm 2050.
Theo đó, sẽ phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương hàng năm giai đoạn 2021 - 2030 để thực hiện mục tiêu NDC. Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng và quy định chi tiết về hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ carbon rừng.
Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống đăng ký, quản lý tín chỉ carbon rừng. Tham mưu tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (ERPA) với Tổ chức tăng cường tài chính trong lâm nghiệp (Emergent) và các đối tác khác...
Hiện nay, các bộ, ngành đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện thể chế, kỹ thuật và năng lực để triển khai thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới.
Việc đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đó sẽ định hướng giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp Việt Nam, với vị trí là ngành “đóng góp” cao thứ hai vào phát thải khí nhà kính ở Việt Nam, đang tích cực thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Vì vậy, tín chỉ carbon chỉ nên xem là một phần của cuộc chuyển mình, là mục đích thêm vào, chứ không phải là mục tiêu hàng đầu của các dự án nông nghiệp.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Trường đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Chúng ta trồng rừng, mục tiêu chính là bảo vệ rừng, khai thác rừng, ngoài ra có thể chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon. Mỗi loại hình sản xuất, kinh doanh đều phải đi theo mục đích, nhiệm vụ chính, còn lại là khai thác thêm. Không nhất thiết, mọi ngành, mọi dự án đều đi theo tín chỉ carbon”.
Tương tự, TS. Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông nghiệp cho rằng, với “Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp”, mục tiêu chính không nằm ở bán tín chỉ carbon. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào bán tín chỉ carbon từ lúa gạo.
“Đây là đề án để chúng ta sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đó áp dụng các quy trình sản xuất tốt trong nông nghiệp để phát triển bền vững ngành lúa gạo, đặc biệt tăng thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Đó là mục tiêu lớn bao trùm. Sản xuất tín chỉ carbon là một phần nhỏ của đề án này”, ông Trần Minh Hải cho biết.