Thái Bình: Doanh nghiệp chủ động khắc phục, ổn định sản xuất sau bão Yagi
Sau bão Yagi, các doanh nghiệp tại Thái Bình đã chủ động khắc phục khó khăn, trở lại hoạt động, đáp ứng tiến độ giao hàng cho đối tác trong nước, xuất khẩu.
Cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào nước ta đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Thái Bình và một số địa phương phía bắc. Trong đó, các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể, bão số 3 đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, tốc mái một số diện tích mái tôn nhà xưởng, kho chứa sản phẩm, kho hóa chất và kho trung chuyển…
Tại khu công nghiệp (KCN) Tiền Hải, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN đều bị bão làm hư hại nhà xưởng và hàng vạn cây xanh bị quật đổ ngổn ngang do vị trí ở nơi giáp biển.
Như tại Nhà máy gạch men Mikado của Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng ở KCN Tiền Hải, một số nhà xưởng của nhà máy đã bị tốc mái với tổng diện tích hơn 10.000m2 sau gần 3 tiếng đồng hồ chống chọi với bão số 3. Nhiều thiết bị và nguyên liệu sản xuất bị hư hỏng do gió và mưa bão tràn vào nhà kho, xưởng sản xuất, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tương tự huyện Tiền Hải, tại huyện Thái Thụy, rất nhiều doanh nghiệp cũng bị bão số 3 tàn phá. Ước tính ban đầu, toàn huyện Thái Thuỵ có khoảng 35.000m2 mái tôn nhà xưởng, trang trại bị hư hại, nhiều cây xanh bị gẫy, đổ, bật gốc. Còn tại TP Thái Bình và các huyện còn lại, rất nhiều doanh nghiệp cũng bị bão số 3 tàn phá công trình tường bao, nhà xưởng, kho tàng, cây xanh.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, tỉnh Thái Bình đã huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất để khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Về phía các doanh nghiệp đã tập trung khắc phục hư hại nhà xưởng, vệ sinh môi trường, sắp xếp lại máy móc, thiết bị sớm trở lại hoạt sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ nhau trong công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, bảo vệ tính mạng con người, tài sản và chia sẻ khó khăn trước, trong, sau bão, cùng nhau sớm ổn định sản xuất.
Theo ông Phạm Bách Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng, do diện tích nhà xưởng bị thiệt hại quá lớn nên phía doanh nghiệp chủ trương dồn mọi nguồn lực để thu dọn đổ nát, sửa chữa lại nhà xưởng đến đâu được tới đó và đưa vào hoạt động sản xuất ngay. Từ sáng sớm 8/9, tất cả cán bộ, công nhân công ty đều tập trung cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai và tái sản xuất. Đến chiều 9/9, công ty đã đưa 3/4 xưởng sản xuất vào hoạt động, bảo đảm việc làm cho người lao động cũng như đáp ứng tiến độ giao hàng cho các đối tác trong nước và xuất khẩu.
Được biết, ngay sau cơn bão số 3 Yagi, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng đã đến kiểm tra, động viên một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình đã ghi nhận, đánh giá cao các doanh nghiệp trong việc chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức triển khai phương án phòng chống bão kỹ lưỡng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đặc biệt là không để xảy ra thiệt hại về người, đồng thời tổ chức sản xuất ngay sau bão đã tan.
Cũng theo ông Hưng, tỉnh Thái Bình đề nghị các doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả sau bão, thu dọn vệ sinh môi trường đảm bảo cảnh quan nhà máy. Đồng thời, ổn định tình hình cán bộ công nhân viên, tổ chức phân công lao động, chủ động nguồn nguyên vật liệu vận hành ổn định sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng phương án rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống bão và thiên tai, lường trước các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới. Đặc biệt, cần chú trọng đảm bảo an toàn tính mạng con người, ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra, vận hành an toàn các nhà máy.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Thái Bình đã mạnh mẽ đứng lên sau thiệt hại của bão. Đồng thời, chủ động tự khắc phục để nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp đều có tâm niệm lấy trí, tài vượt thiên tai, bảo vệ việc làm cho người lao động và duy trì sự phát triển của doanh nghiệp trong những hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là nét đẹp văn hóa doanh nhân Thái Bình.
Còn theo ông Lê Tuấn Thiên - Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ, trước bão, phía công ty đã mua bổ sung vật tư, phương tiện gia cố nhà xưởng, bảo vệ hàng hóa, máy móc thiết bị và chằng chống hệ thống cây xanh. Tuy nhiên, bão số 3 quá mạnh đã làm gẫy, đổ, bật gốc hàng nghìn cây xanh trong khuôn viên các nhà máy. Ngay từ sáng 8/9, hơn 1.400 cán bộ, người lao động đã tình nguyện tới công ty thu dọn, vệ sinh môi trường, dựng và chằng chống lại những cây đổ ngã. Qua đó, bảo đảm các điều kiện an toàn để đón gần 16.000 người lao động trở lại các nhà máy sản xuất bình thường vào sáng 9/9.