Xe máy điện có bị lãng quên khi chuyển đổi sang giao thông xanh?
Đến nay Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi nào dành cho xe máy điện. Liệu xe máy điện có bị lãng quên trong việc “phủ xanh” đất nước?
Xe máy điện bị lãng quên?
Công ty VinFast vừa công bố triển khai chương trình “phủ xanh Việt Nam” từ ngày 20/9 đến hết ngày 31/12 dành cho tất cả khách hàng mua xe máy điện VinFast. Theo đó, những khách hàng mua xe thuê pin, sẽ được tặng món quà trị giá 3 triệu đồng, có thể quy đổi thành quyền lợi tích lũy trên thẻ khách hàng thân thiết VinClub, để sử dụng các dịch vụ khác của Vingroup, hoặc quy đổi thành tiền mặt để thanh toán khi mua xe. Với khách hàng mua xe kèm pin, mức ưu đãi lên tới 12 triệu đồng, có thể quy đổi theo hai hình thức trên.
TP Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện đề án kiểm soát khí thải và chọn huyện Cần Giờ để thí điểm triển khai giao thông xanh. Trong đó, có chương trình ưu đãi hỗ trợ người dân, hộ gia đình chuyển đổi sang xe máy điện. Dự kiến, giai đoạn 2024 - 2025, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khi chuyển đổi phương tiện giao thông cho các hộ nghèo; với hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% kinh phí. Đối với cá nhân, hộ gia đình khác, hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với xe máy điện; Duy trì lãi suất vay ưu đãi khi mua xe máy điện giảm xuống còn 4%/năm đối với cá nhân, hộ gia đình mua xe máy điện trả góp trong suốt thời gian vay. Giai đoạn 2026 – 2027, phấn đấu mỗi hộ gia đình chuyển đổi ít nhất một phương tiện giao thông. Trong đó, hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định cho tất cả cá nhân, hộ gia đình duy trì như giai đoạn 2024 - 2025. Giai đoạn 2028 – 2030, sẽ khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình còn lại chuyển đổi phương tiện giao thông hoặc mua xe máy điện mới, thông qua việc hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định như trên. Ước tính, tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch tại huyện Cần Giờ là khoảng 974,4 tỉ đồng.
Trong khi doanh nghiệp và địa phương nỗ lực thì Nhà nước vẫn chưa có chính sách ưu đãi nào dành cho xe máy điện. Hiện xe máy điện vẫn chịu lệ phí trước bạ và phí cấp biển như xe máy xăng. Về phía doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhập khẩu linh kiện phải chịu thuế suất 20%, không nhận được hỗ trợ về hạ tầng…Chính vì thế, giá xe máy điện còn cao so với xe máy xăng.
“Phủ xanh” đất nước
Số liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, hiện có khoảng 70 triệu xe máy xăng đăng ký lưu hành. Xe máy xăng là nguồn phát thải ô nhiễm rất lớn, sử dụng càng nhiều xe máy xăng thì càng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Lấy ví dụ, một chiếc xe máy được coi là tiết kiệm xăng nhất hiện nay, sẽ tiêu tốn khoảng 1,6 lít/100km. Trong khi đó, mỗi lít xăng thải ra hơn 2kg CO2 (carbon dioxide) vào khí quyển.
Những quốc gia có nhiều xe máy trong khu vực như Thái Lan và Indonesia đã hành động. Tại Thái Lan, Ủy ban chính sách xe điện đã thống nhất thông qua Gói biện pháp thúc đẩy thị trường xe điện 3.5 giai đoạn từ năm 2024 – 2027 nhằm khuyến khích người dân hình thành thói quen mua xe điện. Trợ cấp từ 5.000 đến 10.000 baht (tương đương khoảng 3,5 đến 7 triệu đồng) đối với người mua xe máy điện có giá bán dưới 150.000 baht (tương đương khoảng 100 triệu đồng) và sử dụng bộ pin có công suất tối thiểu 3kWh.
Từ tháng 3/2023, Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách trợ giá cho người dân mua xe máy điện. Mức hỗ trợ lên tới 7 triệu rupiah, tương đương gần 11 triệu đồng/xe. Trong giai đoạn từ năm 2023 - 2024 sẽ có khoảng 1 triệu xe được hưởng chính sách này. Với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy điện, các linh kiện nhập khẩu như: pin, động cơ kéo, bộ điều khiển truyền động, bộ sạc… đều được miễn thuế. Cùng với đó còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được hỗ trợ về hạ tầng…
Giới chuyên môn cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi sang xe máy điện, phải giải quyết cùng lúc một loạt vấn đề gồm: trợ cấp cho người dân mua xe điện, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất xe điện và tăng thuế phí để hạn chế xe máy xăng.
Hiện tại thị trường Việt Nam vẫn tiêu thụ gần 3 triệu xe máy mỗi năm, trong đó chiếm tới 90% là xe máy xăng. Thị trường xe máy xăng đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với gần 30 năm phát triển và được ưu đãi quá nhiều, đã mang lại rất nhiều lợi nhuận béo bở cho các doanh nghiệp sản xuất xe máy xăng FDI. Đến nay, các doanh nghiệp này vẫn không hào hứng với việc chuyển đổi sang xe máy điện.
Nỗ lực của một vài doanh nghiệp và địa phương thúc đẩy chuyển đổi sang xe máy điện sẽ không thể mang lại thành công trong việc “phủ xanh” đất nước. Để giải quyết vấn đề này và đạt được phát thải ròng 0% vào 2050, cần có chính sách đột phá, áp dụng chung trên toàn quốc.