24h

Sửa Luật Quảng cáo: Cần hoàn thiện quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước

Gia Nguyễn 24/09/2024 12:15

Góp ý Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước…

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, sáng 24/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

sua-luat-quang-cao-tvqh-24.9.1.jpg
Sáng 24/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo - Ảnh: Media Quốc hội

Tóm tắt về Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhằm hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về quảng cáo nhằm nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo, Dự thảo Luật (sửa đổi) đã đề xuất quy định về quy trình, biện pháp quản lý Nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới: Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền và nghĩa vụ và thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền; Không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật và thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đồng thời, bổ sung quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân; quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm; quy trình phát hiện vi phạm, tiếp nhận thông tin, xử lý đối với hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

sua-luat-quang-cao-tvqh-24.9.2.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Văn Hùng báo cáo tóm tắt Dự thảo Luật (sửa đổi) tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng trên cơ sở các quy định về người có ảnh hưởng tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải bảo đảm có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm...

Cho ý kiến thẩm tra sơ bộ về Dự thảo Luật (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ Dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ Dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Đại diệ
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự thảo Luật (sửa đổi) tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Cụ thể, liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 5), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung, phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Bộ Công Thương trong thực hiện quản lý Nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến an ninh mạng, an ninh trật tự xã hội.

Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 4 Điều 1 Dự thảo Luật bổ sung Điều 15a), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng cho hay, Điều 15a Dự thảo Luật chưa có sự tách biệt rõ ràng về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung, dẫn đến chưa phù hợp với một số nhóm đối tượng chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Ngoài ra, Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng “đã trực tiếp sử dụng sản phẩm” khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, thiết kế nội dung này theo hướng phân định cụ thể vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo trên mạng, trên cơ sở đó, có quy định phù hợp với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người có ảnh hưởng trên mạng. Đồng thời, tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Cùng với các nội dung, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung khác tại Dự thảo Luật (sửa đổi) về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 Dự thảo Luật bổ sung Điều 19a); quảng cáo trên báo in (khoản 9 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21); quảng cáo trên báo hình (khoản 10 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22); quảng cáo trên mạng (khoản 11 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23); cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (khoản 15 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 31).

Gia Nguyễn