Vì sao ADB hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á?
Dự báo tăng trưởng chung cho Đông Nam Á được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) điều chỉnh giảm mặc dù có triển vọng tích cực từ Singapore.
ADB vừa đưa ra dự báo khu vực châu Á đang phát triển có thể đạt mức tăng trưởng 5% trong năm nay và 4,9% trong năm 2025, nhờ hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ và nhu cầu cao đối với các mặt hàng công nghệ xuất khẩu.
Trong bản cập nhật Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, ADB đã giữ nguyên hầu hết các dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế trong khu vực so với báo cáo tháng Bảy.
Đồng thời, ngân hàng này cũng hạ dự báo lạm phát cho khu vực châu Á đang phát triển, bao gồm 46 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, xuống còn 2,8% trong năm nay và 2,9% trong năm 2025, từ các mức dự báo tương ứng trước đó là 2,9% và 3,0%.
Nhóm chuyên gia của ADB nhấn mạnh một số nguy cơ đối với dự báo tăng trưởng bao gồm chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng địa chính trị, các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Với Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng chung cho khu vực được ADB điều chỉnh giảm mặc dù có triển vọng tích cực từ Singapore.
Tăng trưởng chậm ở Thái Lan do chi tiêu công, đầu tư tư nhân và xuất khẩu hàng hóa yếu hơn dự kiến. ADB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm nay xuống còn 2,35% từ mức 2,6%, và giảm từ mức 3% xuống còn 2,7% cho năm 2025.
ADB cho biết thêm, Thái Lan có thể sẽ không tận dụng được hết lợi thế từ sự gia tăng thương mại toàn cầu vì một số mặt hàng xuất khẩu của nước này không đáp ứng được xu hướng chuyển dịch nhu cầu toàn cầu sang các sản phẩm công nghệ cao.
Trong khi đó với Lào, ADB cho rằng các lựa chọn tái cấp vốn hạn chế, trong bối cảnh khối lượng nợ nước ngoài sẽ buộc khu vực công phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường trong nước để huy động vốn.
Singapore là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chứng kiến sự điều chỉnh tăng trong dự báo tăng trưởng của mình. ADB đã nâng dự báo GDP của quốc gia này từ 2,4% lên 2,6% trong năm nay, ngang bằng với ước tính tăng trưởng năm 2025, vẫn giữ nguyên ở mức 2,6%.
Dự đoán triển vọng sản xuất tại Singapore sẽ được cải thiện, chủ yếu nhờ sự phục hồi của ngành điện tử toàn cầu và tâm lý kinh doanh tích cực hơn, cùng với sự tăng cường của các dịch vụ tài chính khi lãi suất giảm dần.
Việt Nam cũng là quốc gia có dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực, với GDP ước đạt 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025, với nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 do sản xuất công nghiệp cải thiện và thương mại gia tăng mạnh mẽ. Dự kiến, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu.
Ước tính lạm phát cho Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan trong năm nay đã được hạ xuống, trong khi ước tính cho Indonesia và Việt Nam không thay đổi.
Tại Thái Lan, nguồn cung thị trường dồi dào dẫn đến giá lương thực thấp hơn, nhưng sẽ chứng kiến sự tăng dần trong năm với điều kiện thời tiết bất lợi.
Với Singapore, tỷ giá hối đoái danh nghĩa mạnh hơn dự kiến sẽ làm giảm lạm phát nhập khẩu trong những tháng tới, với lạm phát cơ bản được kỳ vọng sẽ giảm dần khi áp lực chi phí nhập khẩu hạ nhiệt.
Giá lương thực dự kiến sẽ giảm ở Philippines do thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng chủ lực như gạo giảm. ADB cho biết việc giảm lạm phát cũng sẽ cho phép quốc gia này nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.