Kinh tế địa phương

Ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão

Minh Huệ - Trung Thành 26/09/2024 16:50

Cơn bão số 3 gây thiệt hại cho Quảng Ninh trên 24.800 tỷ đồng – bằng khoảng 50% tổng thiệt hại của 26 tỉnh, thành phố miền Bắc trong đợt mưa bão vừa qua.

Đồng hành

Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất do thiệt hại từ con bão số 3 gây ra. Mới đây, tại Hội nghị do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ: Bão số 3 là cơn bão có cường độ cực mạnh, sức tàn phá lớn, khi quét qua Quảng Ninh đã làm hơn 1.600 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 24.200 tỷ đồng, khiến nhiều người dân, doanh nghiệp gần như mất trắng tài sản, nhiều khách hàng của các tài chính tín dung không còn khả năng trả nợ, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản, cây trồng bị gãy, đổ hoàn toàn), lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (tàu du lịch tham quan, tàu hàng... bị chìm đắm, hư hỏng)…

1(2).jpg
Ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão

Ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị các ngân hàng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão.

Được biết, ngay sau bão, Quảng Ninh đã khẩn trương, bắt tay ngay vào khắc phục, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, kiến thiết kinh tế.

Tỉnh Quảng Ninh đã ngay lập tức cấp bổ sung cho các địa phương kinh phí hỗ trợ (đợt 1) số tiền là 180 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện cơ cấu lại nguồn chi 2024, tiết kiệm chi, để dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp. Quảng Ninh cũng đã gửi văn bản cho các ngân hàng, đề nghị tháo gỡ khó khăn và đã được hồi đáp ngay với rất nhiều chính sách phù hợp, thiết thực trong thời điểm này.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, ông Chủ tịch đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng sớm triển khai các gói hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại sau bão. Trong đó, tập trung vào việc miễn giảm lãi, khoanh, giãn, hoãn nợ cho các khách hàng đang vay; mở rộng đối tượng được hưởng thụ; hướng dẫn, đơn giản hóa các thủ tục; triển khai các chính sách cho vay mới với các hộ dân đang không có tài sản thế chấp, cho vay theo hình thức tín chấp. Tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất.

2(2).jpg
Sau bão, hơn 4.200 công nhân lao động của công ty đều có mặt tham gia vào các dây chuyền sản xuất với không khí lao động khẩn trương, để kịp hoàn thành sản phẩm cho các đơn hàng xuất khẩu (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Nhanh chóng vào cuộc

Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất do thiệt hại từ con bão số 3 gây ra, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ của Ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Ước tính tổng thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên 24.800 tỷ đồng – bằng khoảng 50% tổng thiệt hại của 26 tỉnh, thành phố miền Bắc trong đợt mưa bão vừa qua. Số khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do bão là trên 23.000 lượt khách hàng, tổng dư nợ bị ảnh hưởng gần 40.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại là trên 10.000 tỷ đồng.

Trong số các ngân hàng, các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh, BIDV là đơn vị có số khách hàng và số dư nợ lớn. Theo thống kê, đến nay, có 412 khách hàng vay vốn của BIDV trên địa bàn Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi mưa bão, với tổng dư nợ ảnh hưởng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại là 2.290 tỷ đồng, chủ yếu là khách hàng vay vốn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

Nhằm chung tay chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng BIDV đã triển khai việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, cho vay mới và thực hiện xử lý nợ theo quy định hiện hành; đến nay đã cho vay mới đối với 32 khách hàng, với số tiền 258 tỷ đồng.

Sau khi nghe ý kiến đề nghị của đại diện các doanh nghiệp tại Quảng Ninh, trọng tâm là việc cho vay mới khi không có tài sản thế chấp, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chia sẻ với những thiệt hại nặng nề của tỉnh Quảng Ninh do bão số 3 gây nên. Ngoài việc triển khai các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, chung tay khắc phục mưa bão, BIDV đã ban hành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, với lãi suất giảm từ 0,5 đến 2% cho cả khoản vay hiện hữu và vay mới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

3(2).jpg
Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Đông Mai nhanh chóng ổn định sản xuất sau bão số 3

Để thực hiện việc miễn, giảm lãi, BIDV sẽ xem xét trên cơ sở xác minh của chính quyền địa phương đối với những thiệt hại của người dân, doanh nghiệp do bão gây ra. Đối với việc cho vay mới, đặc biệt là trong trường hợp không có tài sản thế chấp, BIDV sẽ đánh giá, xem xét tính khả thi, khả năng quản lý, khả năng sinh lời của phương án sản xuất, để trao đổi, thống nhất giữa BIDV và khách hàng.

Theo ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi mưa bão đi qua, việc nhanh chóng khôi phục sản xuất, tái thiết lại kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong năm 2024 là trăn trở của lãnh đạo tỉnh và là mong mỏi của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị, rất cần có sự chung tay, ủng hộ, chia sẻ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng để người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Ngoài việc phát huy nội lực của mình, tỉnh Quảng Ninh cũng đã báo cáo Chính phủ đề nghị nâng mức và mở rộng các đối tượng được hỗ trợ do bão; đồng thời đề xuất cần có chính sách riêng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 – bởi đây là cơn bão lịch sử, chưa từng có trong vòng 70 năm qua.

Chung tay cùng tỉnh để nhanh chóng khôi phục kinh tế, ông Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng BIDV hỗ trợ tối đa cho Quảng Ninh để người dân, doanh nghiệp ổn định lại sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để khoanh nợ, giãn nợ, không để quá thời gian theo quy định, đảm bảo thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức tín dụng.

Các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để thống nhất với ngân hàng phương án vay mới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) nghiên cứu, mở rộng đầu tư nhằm góp phần tái thiết, phát triển tỉnh Quảng Ninh.

Minh Huệ - Trung Thành