Những tín hiệu đáng sợ trên thị trường dầu mỏ thế giới
Nhiều kịch bản đáng sợ có thể sẽ xảy ra trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, một trong số đó là xung đột tại eo biển Hormuz ở Trung Đông.
Đội ngũ phân tích hàng hóa tại ngân hàng SEB Thụy Điển cho rằng, nếu tình hình trở nên tồi tệ nhất và eo biển Hormuz bị đóng cửa trong một tháng hoặc hơn, thì giá dầu thô Brent có khả năng tăng vọt lên 350 đô la Mỹ/thùng, nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm mạnh và giá dầu sẽ giảm xuống dưới 200 đô la Mỹ/thùng sau một thời gian.
Hiện tại, giá dầu thô Brent kỳ hạn giao tháng 12 giảm 1,5% xuống còn 79,74 đô la Mỹ/thùng, trong khi giá dầu thô kỳ hạn West Texas Intermediate của Hoa Kỳ đứng ở mức 75,99 đô la Mỹ/thùng, giảm 1,5%.
Tuy nhiên, xung đột không ngừng leo thang ở Trung Đông đã đẩy tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới trở lại tâm điểm chú ý của toàn cầu. Eo biển Hormuz có tầm quan trọng chiến lược, kết nối các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông với các thị trường chính trên toàn thế giới.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), vào năm 2023, lưu lượng dầu qua eo biển Hormuz trung bình đạt 21 triệu thùng mỗi ngày. Con số này tương đương với khoảng 21% lượng dầu thô giao dịch toàn cầu.
Nếu dầu thô không thể đi con đường này, ngay cả tạm thời, có thể làm tăng giá năng lượng toàn cầu, tăng chi phí vận chuyển và gây ra sự chậm trễ đáng kể trong nguồn cung. Điều này có thể khiến giá dầu tăng cao hơn nhiều so với 100 đô la Mỹ/thùng.
Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra nếu Israel tấn công toàn diện Iran, và Iran có hành động quân sự trên eo biển Hormuz để trả đũa Mỹ và phương Tây, kịch bản gần giống với khủng hoảng dầu mỏ 1973 khi khối Ả Rập đồng loạt ngừng xuất khẩu dầu.
Lời tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyaho về việc sẽ đáp trả Iran sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào tuần trước đã làm dấy lên suy đoán rằng nước này có thể sớm tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Tehran.
Saul Kavonic, nhà phân tích cấp cao tại MST Financial dự báo, nếu chúng ta chứng kiến một cuộc tấn công vào sản lượng dầu của Iran, có thể cắt giảm tới 3% nguồn cung toàn cầu. Điều đó có thể khiến giá dầu tiếp cận mức 100 đô la Mỹ/thùng hoặc thậm chí vượt quá mức này.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, nếu vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz bị ảnh hưởng - tác động giá dầu sẽ lớn gấp ba lần so với cú sốc giá dầu của những năm 1970 sau cuộc cách mạng Iran và lệnh cấm vận dầu mỏ của khối Ả Rập.
Warren Patterson, Giám đốc nghiên cứu chiến lược tại ngân hàng ING Hà Lan, nhận định: Một sự gián đoạn đáng kể đối với các dòng chảy này sẽ đủ để đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục mới, vượt qua mức giá lục gần 150 đô la Mỹ/thùng vào năm 2008. Tác động tiêu cực không chỉ giới hạn ở thị trường dầu mỏ.
Vấn đề khác quan trọng không kém là tắc nghẽn dòng chảy khí đốt hóa lỏng từ Qatar, chiếm 20% khối lượng thương mại toàn cầu, sẽ gây sốc cho toàn bộ thị trường, đặc biệt là khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông nhu cầu khí đốt tăng mạnh hơn cho mục đích sưởi ấm.