Phát triển thị trường carbon rừng: Thách thức hoàn thiện khung pháp lý
Dù có tiềm năng, lợi thế lớn, tuy nhiên, theo chuyên gia, để tận dụng tiềm năng thị trường carbon rừng, cần phải giải quyết các thách thức về khung pháp lý...
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023 bao gồm cả diện tích rừng chưa đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 14,86 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 10,12 triệu ha, rừng trồng là trên 4,73 triệu ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13, 92 triệu ha, trong đó, rừng tự nhiên 10,12 triệu ha, rừng trồng là 3,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,02%.
Nhìn nhận về thống kê đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, với diện tích rừng rộng lớn, cùng các cam kết bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ là một trong những nước có tiềm năng phát triển tín chỉ carbon từ rừng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức.
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã có các bước khởi đầu như tham gia vào cơ chế REDD+, thế nhưng khung pháp lý cụ thể cho thị trường carbon rừng vẫn chưa hoàn thiện; cơ chế xác định quyền sở hữu tín chỉ carbon rừng, chia sẻ lợi ích từ các dự án rừng và quản lý nguồn lợi từ tín chỉ vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án…
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cũng như phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng, cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển thị trường tín chỉ này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội.
Nêu quan điểm về vấn đề đã nêu, TS Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, để tận dụng tiềm năng thị trường carbon, nước ta cần phải giải quyết các thách thức về khung pháp lý, tài chính, kỹ thuật. Đặc biệt, việc cải thiện hệ thống quản lý, tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh nhận thức xã hội là những bước quan trọng để Việt Nam có thể phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng hiệu quả.
Đồng quan điểm, TS Hà Công Tuấn - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, cơ quan quản lý xây dựng, ban hành nhiều hơn những cơ chế tài chính ban đầu hỗ trợ cho chủ rừng, nhất là nhóm chủ rừng yếu thế. Đây là cách để đối tượng này được tiếp cận một cách dễ dàng hơn với các quỹ carbon rừng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, PGS-TS Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thị trường carbon rừng có tiềm năng mang lại nguồn thu lớn cho lâm nghiệp, giúp đầu tư vào bảo vệ rừng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, tuy nhiên, các nguồn lực tài chính cho hoạt động lâm nghiệp còn thiếu ổn định, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế.
Theo ông Bảo, Cục Lâm nghiệp cũng xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển thị trường và triển khai thương mại tín chỉ carbon rừng thời gian tới gồm: Rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định lĩnh vực lâm nghiệp; Nghiên cứu tiềm năng và phân bổ hạn ngạch giảm phát thải và hấp thụ carbon từ rừng cho các địa phương;
Hoàn thiện thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng; Xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam, phương pháp luận tính toán kết quả giảm phát thải và hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định lượng giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon của rừng; hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án tiềm năng;
Tuyên truyền, tăng cường năng lực cho các bên liên quan về carbon rừng; Tiếp tục triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với WB; tham mưu đàm phán, ký kết và triển khai Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ với Tổ chức Emergent; Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế và khối tư nhân.
Đối với địa phương, theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cần chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp thực hiện giảm phát thải, tăng hấp thụ trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia tích cực của các bên liên quan nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của thị trường carbon rừng.
Được biết, liên quan đến việc phát triển thị trường carbon, tại cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam chiều 07/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành khác để rà soát kỹ lưỡng các văn bản pháp luật liên quan đến thị trường này.
Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thị trường carbon là cơ hội tiềm năng để thu hút đầu tư và phát triển công nghệ, nhưng các quy định quốc tế về phân bổ hạn ngạch và cơ chế vẫn chưa đồng bộ. Do đó, Việt Nam cần thực hiện lộ trình thí điểm một cách cẩn trọng, vừa triển khai vừa hoàn thiện, để theo kịp xu hướng thế giới.