Doanh nghiệp

Kỳ vọng tăng cường hợp tác, giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

Lê Mỹ 10/10/2024 01:27

Đây là phát biểu của ông Kim Nyoun Ho, Phó Giám đốc KOCHAM tại Diễn đàn Hợp tác Kinh Doanh Việt Nam – Hàn Quốc năm 2024 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chương trình kết nối kinh doanh 9th Monthly B2B lần thứ 20, quy tụ gần 200 doanh nghiệp từ 2 nước.

Tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) thông tin về tiềm năng, thế mạnh và cơ chế, chính sách đặc thù mới của TPHCM cho nhà đầu tư nước ngoài.

Viet nam
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) chia sẻ về các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài của TPHCM

Theo đó, Giám đốc ITPC cho biết, TP Hồ Chí Minh có những lợi thế nổi trội so với các địa phương khác tại Việt Nam qua một số điểm đáng chú ý như Thành phố có vị trí địa lý thuận lợi, có nền kinh tế phát triển năng động nhất Việt Nam, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn, có nền văn hóa đa dạng, có chất lượng sống tốt; và hiện nay Thành phố đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư như đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định, cấp mới dự án đầu tư còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày…

Giám đốc ITPC cũng cho biết hiện TP Hồ Chí Minh đang áp dụng 4 các hình thức ưu đãi chính cho nhà đầu tư nước ngoài:

Thứ nhất, Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chúng tôi miễn, giảm thuế 10% trong thời hạn 15 năm, hoặc không quá 30 năm

Thứ hai, Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất

Thứ 3, Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất. Thành phố sẽ miễn giảm tiền thuê trong thời gian xây dựng cơ bản trong vòng 3 năm, đồng thời miễn sau thời gian xây dựng từ 15 năm đến 19 năm tùy từng loại dự án

Thứ 4, ưu đãi Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Trong đó, thời gian trích khấu hao tài sản cố định từ 5 đến 20 năm với phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng.

Thuế tối thiểu toàn cầu đã có hiệu lực và Việt Nam cũng là một trong 143 thành viên tham gia quy định này của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đây là cột mốc quan trọng đối với cả nhà đầu tư lẫn nước nhận đầu tư, khi thuế tối thiểu áp dụng tối thiểu 15% trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù. “Với Nghị quyết số 98/2023/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực mang tính chất đột phá so với qui định chung với kỳ vọng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của Thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư”, ông Phú bày tỏ.

Đồng thời ông khẳng định “TP Hồ Chí Minh chúng tôi luôn chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Ha Quốc đến tìm hiểu cơ hội và môi trường đầu tư của Thành phố. Thành phố mong muốn nhà đầu tư Hàn Quốc nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ cao và đổi mới sáng tạo; hạ tầng giao thông; bất động sản và đô thị thông minh; năng lượng tái tạo; chuyển đổi số và thương mại điện tử; dịch vụ du lịch và logistics”.

Han Quoc
Ông Ông Kim Nyoun Ho – Phó Giám đốc cấp cao Hiệp Hội Thương mại Hàn Quốc Tại Việt Nam (KOCHAM), kỳ vọng thúc đẩy, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc

Ông Kim Nyoun Ho – Phó Giám đốc cấp cao Hiệp Hội Thương mại Hàn Quốc Tại Việt Nam (KOCHAM) chia sẻ, kể từ khi tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1992, tính đến tháng 8 năm 2024, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng vốn đầu tư tích lũy lớn nhất tại Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư này đã đạt khoảng 87,7 tỷ đô la Mỹ, là minh chứng cho sự hợp tác kinh tế sâu sắc giữa hai nước. "Trước đây, đầu tư chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp dệt may, nhưng hiện nay, phạm vi đã được mở rộng từ các ngành công nghiệp nặng như thép, ô tô, đến các ngành công nghiệp tiên tiến như điện tử, dược phẩm và công nghệ thông tin. Những thay đổi này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp và tiến bộ công nghệ của Việt Nam.”- ông Kim Nyoun Ho cho biết.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn- đơn vị tổ chức sự kiện chia sẻ: “Ngoài nâng cao chất lượng dòng vốn FDI thì việc tăng cường các mối liên kết doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa nhằm tạo ra giá trị nội tại để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững là hết sức quan trọng. Có như vậy Thành phố và Việt Nam mới có thể rút ngắn được khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước và tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia gặp phải. Trong những năm qua, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã trở thành một trong những lực lượng doanh nghiệp FDI quan trọng, nhiều dự án đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao và có tính hỗ trợ mạnh mẽ cho định hướng phát triển chiến lược của Thành phố và Việt Nam”.

Ông Nguyễn Đông Hòa – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cũng nhận định: Tiềm năng hợp tác du lịch Việt Nam - Hàn Quốc là rất lớn. Để khai thác tối đa tiềm năng này, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

"Tôi tin rằng, với những nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp hai nước, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ, mối quan hệ hợp tác du lịch Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc.” - Ông Hòa kỳ vọng.

Nhìn nhận về tiềm năng của Thành phố, đại diện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng Thành phố có thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn với quy mô thị trường hơn 10 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng hơn 6.700 USD/năm, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thị trường lớn gần 20 triệu người. Đây là tiềm năng không chỉ cho doanh nghiệp Hàn Quốc gia tăng đầu tư sản xuất, mà còn có cơ hội để gia tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm tại thị trường này.

Ông Kim Tae Sik- Phó Chủ tịch về Chính sách chiến lược của Hội đồng Thương mại Điện tử KOCHAM (KECC) bày tỏ kỳ vọng hợp tác đầu tư và đẩy mạnh giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp 2 nước, với góc nhìn về sự kết hợp hệ sinh thái thương mại điện tử Hàn Quốc – Việt Nam: Chiến lược cùng tăng trưởng thông qua hợp tác đổi mới sáng tạo. Theo ông Kim, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển, và Hàn Quốc là đối tác để hợp tác lâu dài.

Trong khuôn khổ diễn đàn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: vật liệu xây dựng, thiết bị lọc nước, sản xuất bao bì cao cấp, giải pháp công nghệ 3D, dịch vụ an ninh, thực phẩm và đồ uống từ sâm Hàn Quốc, nhượng quyền đồ ăn đường phố Hàn Quốc, cùng với các công nghệ tự động hóa và giải pháp kết nối giao thương thông minh, phần mềm và dịch vụ IT, thiết kế quảng cáo, sức khỏe và làm đẹp, tiêu dùng hữu cơ, dịch vụ nha khoa, logistics và vận tải, sản phẩm dây cáp sưởi cùng các thiết bị ứng dụng, cũng như nhập khẩu dầu mỡ nhờn và sản xuất phụ tùng... đã tham gia tìm hiểu, kết nối B2B tại không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Theo thống kê, tính đến năm 2023, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong số đó đang tìm kiếm đối tác kinh doanh mới. Hai nước đều là đối tác thương mại lớn của nhau. Kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam là 2 tỷ USD vào năm 2000, và đã tăng lên 79,4 tỷ USD vào năm 2023. Đặc biệt, các sản phẩm điện tử, dệt may, nông sản, hải sản là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong giao thương giữa hai bên. Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu lớn là sẽ tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 150 tỷ USD vào năm 2030.

Một khảo sát gần đây của KOCHAM cũng chỉ ra, những ngành công nghiệp chính các công ty Hàn Quốc đầu tư vào TPHCM là sản xuất (27%), tiếp theo là bán buôn và bán lẻ (19,8%), xây dựng (17,2%), vận tải (9%), khoa học và công nghệ, dịch vụ công nghệ (7,5%)…Cùng với ngành sản xuất và xây dựng bất động sản, sự quan tâm đầu tư vào lĩnh vực phân phối bán lẻ cũng ngày càng tăng. Đặc biệt, theo KOCHAM, TPHCM đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc như điểm đến trải nghiệm đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Do đó, TPHCM cũng thu hút được một số lượng các nhà đầu tư mới và công ty khởi nghiệp.

Lê Mỹ