“Dự cảm” chứng khoán 2025
Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 2,6 tỷ USD trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, nhưng các tín hiệu cho thấy cơ hội tới đây.
Trong đó, nổi bật là khả năng thu hút vốn ngoại, cùng triển vọng trong 12 tháng tới, ngày càng tích cực.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư (NĐT) cũng cần lưu ý đến những rủi ro cả ở bên ngoài và ở trong nước.
Cải thiện chính sách
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán của VinaCapital, năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,5% (tương đương mức dự báo của UOB Singapore và cao hơn dự báo của ADB), và sẽ tiếp tục mức này ở 2025, với các đầu kéo: đầu tư công, tỷ giá ổn định trong biên độ 2%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đặc biệt, thị trường bất động sản (BĐS) ghi nhận phục hồi, ước giao dịch tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nhấn về chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất tiết kiệm trung bình 12 tháng ở các ngân hàng khoảng 5%/năm; cộng hưởng kế hoạch cắt giảm lãi suất của FED sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường BĐS nói riêng và các lĩnh vực khác.
Về bán lẻ, khách du lịch vào Việt Nam tăng ấn tượng, dự báo đạt hơn 18 triệu du khách, lớn hơn trước COVID-19% là “đòn bẩy” cho bán lẻ và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có sự chú trọng đến minh bạch hóa hệ thống với Luật các TCTD, đồng bộ hóa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở; một loạt luật khác đang được cải tổ gần đây bao gồm quy định về hợp đồng mua bán điện trực tiếp (tháng 7/2024), đối tác công tư (PPP) và đầu tư công...
Với TTCK cũng có lực đẩy từ Thông tư 68/2024/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư, trong đó bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước giao dịch, hướng tới thành lập hệ thống bù trừ trung tâm (CCP).
Tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi
Cũng theo bà Nguyễn Hoài Thu, VinaCapital ghi nhận, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đang quay lại mức cao. Trước COVID-19, xem xét theo kết quả của các DNNY trong danh mục của VinaCapital tương đương 94% vốn hóa của sàn HSX, từ 2017-2019 ghi nhận đạt 15-30%, sau COVID-19 có 1 năm đạt 32,5%, tiếp đó do khủng hoảng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và BĐS nên bị ảnh hưởng (8,5%). Năm 2024, dự báo tăng trưởng của DNNY sẽ quay lại mức 18,3% bao gồm lợi nhuận bất thường; riêng tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi là 11,5%.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của DNNY năm 2025 và 2026 lần lượt đạt 23,2% và 20%. Đây là con số vượt trội so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và cho thấy mức độ hấp dẫn của TTCK nhìn từ hàng hóa.
Đáng chú ý, chất lượng lợi nhuận của các DNNY cũng được cải thiện, thể hiện qua hiệu quả sử dụng vốn với ROE tăng trưởng rõ rệt từ 13-14%, 2025 dự báo sẽ quay lại mức 16,5% - “đồng pha” với một số nước trong khu vực như Ấn Độ,… - các nước được NĐT nước ngoài quan tâm.
“NĐT nước ngoài đã rút ròng khoảng 66 nghìn tỷ đồng trên TTCK Việt Nam, tương tự xu hướng rút ròng trên toàn cầu thời gian qua do chênh lệch lãi suất, nhưng cùng với kỳ vọng FED tiếp tục hạ lãi suất, mức độ tăng trưởng và chất lượng lợi nhuận của DNNY sẽ thu hút họ quay trở lại”, bà Nguyễn Hoài Thu nhận định.
Cũng theo bà Nguyễn Hoài Thu, định giá thị trường vẫn giữ mức hấp dẫn. Chỉ số P/E (giá thị trường trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) cho năm 2025 được dự báo khoảng 10,1 lần. Tương tự, chỉ số P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) cũng có thể giữ quanh 1,6 lần. Cả hai mức trên đều thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm qua và hấp dẫn hơn các nước Indonesia, Malaysia, Phillipines, Thái Lan. Có thể nói, TTCK Việt Nam có định giá hấp dẫn so với đối thủ khu vực khoảng 25%.
Rủi ro nào tiềm ẩn?
Quan sát cho thấy khi TTCK hồi phục đều do có các yếu tố căn bản như đề cập trên với kinh tế đang cải thiện, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, định giá thấp, TTCK còn có kỳ vọng nâng hạng... Từ phía nội tại, năm 2025 dự báo nhu cầu huy động vốn tăng mạnh.
Tuy nhiên, theo đại diện VinaCapital, TTCK Việt Nam cũng đối mặt với các rủi ro thị trường, bao gồm:
Thứ nhất, từ phía bên ngoài, kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng chậm lại; Trung Quốc dư thừa hàng hóa, đẩy mạnh xuất hàng hóa giá rẻ, sẽ gây áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam; rủi ro địa chính trị gây quan ngại cho NĐT, người dân về ách tắc vận chuyển, tăng giá hàng hóa…
Thứ hai, ở trong nước, nhu cầu tiêu dùng nội địa không như kỳ vọng. Cùng với đó, thị trường BĐS nhận định sẽ hồi phục nhưng vẫn còn có bất định. Mức lạm phát có thể cao hơn trong năm 2025 nếu giá dầu cao hơn gây tác động đến chính sách tiền tệ.
Thứ ba, việc trì hoãn nâng hạng TTCK Việt Nam của FTSE có thể gây hiệu ứng tâm lý thất vọng với NĐT.