Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần khắc phục các... điểm nghẽn
Để ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng, theo chuyên gia, cần khắc phục các điểm nghẽn mà doanh nghiệp trong và ngoài nước đã, đang gặp phải…
Thống kê cho thấy, Việt Nam đang có 2.000 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang có sự tiến bộ vượt bậc về năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm “sáng”, dù được cho là ngành đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành công nghiệp, thế nhưng thời gian qua, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, “làn sóng” đổ bộ của nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa bắt kịp để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn nhận về ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, Bộ Công Thương cho hay, việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn những tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi còn hạn chế; việc phổ biến, tuyên truyền về các chính sách ưu đãi đến cộng đồng các doanh nghiệp còn hạn chế và chưa được thực hiện thường xuyên, trên phạm vi rộng. Sự hiểu biết của một bộ phận doanh nghiệp về các quy định chính sách của Nhà nước còn hạn chế.
Nguyên nhân do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp trong quá trình thực thi chính sách. Một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm, chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; nguồn lực hạn chế nên thường không có bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, tìm hiểu các chính sách ưu đãi...
Trong bối cảnh đã nêu, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trước những cơ hội đang hiện hữu, nhiều ý kiến cho rằng, cần những giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt nhằm khắc phục cơ bản điểm nghẽn mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước đã liên tục kiến nghị.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xung đột địa chính trị diễn ra phức tạp, doanh nghiệp Việt phải chú ý tới thị trường cận biên như ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ.... từ đó, mới có khả năng giảm tác động đứt gẫy chuỗi cung ứng có khả năng xảy ra. Ngoài ra, phải tạo một cơ chế để kết nối ngành công nghiệp trong nước cùng sự phát triển của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khi đó mới hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững hơn. Vì vậy, phải sớm có Luật về công nghiệp hỗ trợ trong nước để hỗ trợ sản xuất trong nước.
Chia sẻ về giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long mong muốn, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ ngành có các chính sách cụ thể, rõ ràng ủng hộ, bảo hộ sản xuất trong nước trên cơ sở phù hợp các thông lệ quốc tế, có các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn.
“Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ sắt trong nước để giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt cho doanh nghiệp, cụ thể là cần thiết đưa mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) vào hoạt động...”, ông Trần Đình Long kiến nghị.
Đồng quan điểm với Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, một số ý kiến cũng đề xuất, Bộ Công Thương cần tăng cường phối hợp với các bộ ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các ngành chế biến, chế tạo để mở rộng sản xuất.
Theo đó, xử lý vấn đề chồng lấn quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để thực hiện các dự án phát triển; sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm công nghiệp như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép không gỉ, ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…), an toàn thực phẩm.
Không chỉ có vậy, Bộ cần tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.