Hoàn thiện pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
Góp ý Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, các chuyên gia đưa ra một số đề xuất hoàn thiện quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm bảo đảm phát triển AI có trách nhiệm.
Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (Dự thảo) gồm 08 Chương, 73 Điều. Dự thảo đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; nhân lực cho công nghiệp công nghệ số. Đồng thời, Dự thảo khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”. Trong đó, Dự thảo dành riêng một chương quy định về AI với định hướng đây là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Dự thảo đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này, đồng thời nêu rõ nguyên tắc quản lý và phát triển AI.
Nhất trí với sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong Dự thảo, song các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (bao gồm cả những vấn đề như sở hữu, quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu, vấn đề bảo hộ quyền tác giả…) để xây dựng một Đạo luật riêng về AI của Việt Nam.
Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI; đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI. Do đó, cơ bản tán thành sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong Dự thảo.
Song Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước.
“Đồng thời, quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Góp ý về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, AI được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người, song đây cũng là lĩnh vực rất phức tạp và có nhiều rủi ro. Những quy định tại Dự thảo chưa đủ mạnh mẽ để đảm bảo cho việc phát triển ứng dụng AI diễn ra một cách có trách nhiệm, có đạo đức. Do đó, cần bổ sung các quy định nhằm hạn chế rủi ro của AI.
Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị, phải xem xét, chi tiết hóa các nguyên tắc đạo đức như công bằng, minh bạch, trách nhiệm, an toàn và bảo mật trong phát triển ứng dụng công nghệ AI. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế giám sát tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trí tuệ nhân tạo, ví dụ như là thành lập Hội đồng đạo đức, AI độc lập bao gồm chuyên gia nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, phải cân nhắc kỹ quy định về dán nhãn sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi AI.
“Thế nào là sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống AI? Đề nghị làm rõ thêm nội hàm, không quy định chung chung dẫn đến khó khăn trong thi hành”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu trách nhiệm khi sự cố AI xảy ra. Chẳng hạn như ứng dụng AI trong giao thông thông minh, xe tự lái… thì khi có sự cố, tai nạn xảy ai sẽ chịu trách nhiệm? Chủ xe, chủ sở hữu AI, hay người phát triển nội dung này? Cần phải làm rõ hơn để thuận lợi khi một số lĩnh vực có thể sớm ứng dụng AI.