Mặt trái ngành dăm gỗ Nghệ An – Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
“Món hời” từ thị trường dăm gỗ kéo theo tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu không lành mạnh, môi trường kinh doanh trở nên “méo mó”, không minh bạch…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin tại bài viết trước đó, phản ánh về tình trạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện hàng loạt cơ sở chế biến, băm dăm gỗ hoạt động trái quy định. Điểm đáng lưu ý, phần lớn lượng hàng từ các cơ sở này được tập kết đến các doanh nghiệp nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa rồi sau đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
“Miếng mồi béo bở”…
Là địa phương có trên 228.435 ha rừng trồng, trong đó phần lớn là rừng trồng keo, do vậy, những năm trở lại đây, ngành dăm gỗ Nghệ An phát triển mạnh mẽ, với nhiều nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động. Qua đó, góp phần giải quyết nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu rất lớn cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng, chủ rừng Nhà nước.
Mặt khác, vị trí đặt các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ gần vùng keo nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển, giảm chi phí từ đó tăng giá thành gỗ nguyên liệu, giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động, người trồng rừng; đồng thời, phát triển diện tích rừng trồng, tăng độ che phủ trên địa bàn tỉnh.
Những mặt tích cực nêu trên cho thấy vai trò không thể phủ nhận của các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, trong số đó lại tồn tại không ít cơ sở là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã vận hành nhà xưởng chưa đúng quy định hoặc hoạt động “chui”, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu.
Đáng nói hơn, khi đoàn kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm theo pháp luật buộc phải tháo dỡ máy móc, trang thiết bị thì các chủ cơ sở đã tìm mọi cách để trốn tránh, gây khó khăn trong việc xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, một số địa phương cấp huyện, cấp xã lại thực hiện chưa nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn, không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các sai phạm ngay khi mới phát sinh; đặc biệt có tình trạng để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư rất lớn về tiền bạc, xây dựng cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khiến cho dư luận hết sức bức xúc.
Thống kê mà Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An cũng chỉ rõ, trên địa bàn có 37 cơ sở băm dăm gỗ thì TX Hoàng Mai, TX Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn đứng đầu bảng với mỗi huyện, thị đều có 6 cơ sở, tiếp đến là các huyện Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu và Nghi Lộc. Nguyên nhân các địa phương này xuất hiện nhiều cơ sở chế biến, băm dăm gỗ hoạt động trái quy định là do gần vùng keo nguyên liệu và các cảng biển, nhất là cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa - nơi các đầu nậu tập trung thu mua dăm gỗ để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Hiệp hội ngành gỗ Nghệ An lên tiếng
Như thông tin mà dư luận, báo chí đã phản ánh trước đó, qua khảo sát thực tế tại các huyện miền Tây Nghệ An, Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An nhận thấy tình trạng băm dăm tràn lan, trong đó một số đơn vị mở xưởng băm dăm kết hợp trạm cân ngay bìa rừng, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý rừng trồng và công tác thống kê sản lượng gỗ hàng năm.
Băm dăm trái phép, không kiểm soát dẫn đến việc khai thác rừng non; cạnh tranh không lành mạnh, mất an ninh trật tự trên địa bàn vùng miền núi. Không kiểm soát được sản lượng gỗ khai thác, chế biến hàng năm, làm ảnh hưởng đến nguồn thu Ngân sách Nhà nước. Không dự báo được sản lượng gỗ nguyên liệu phục vụ xây dựng kế hoạch các nhà máy chế biến sâu ngành gỗ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp “núp bóng” dưới hình thức chế biến gỗ không băm dăm, nhưng thực tế chỉ có hoạt động băm dăm, không thực hiện đúng hồ sơ, thủ tục đầu tư đã được cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ…
Chính bởi vậy, Hiệp hội đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Kết luận 02- KL/TU ngày 13/05/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An và Văn bản số 4031/UBND-CN ngày 09/06/2016 của UBND tỉnh Nghệ An để đưa ngành gỗ Nghệ An đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đúng quy định; đảm bảo nguồn gỗ cho các doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất hợp pháp trên địa bàn tỉnh”…
Có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ tự phát ồ ạt mọc lên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngoài góp phần giải quyết nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu lớn như đã nêu ở mục trên thì nhiều ý kiến cho rằng, một phần nữa là do các doanh nghiệp lớn ngoài địa phương tiến hành thu mua dăm gỗ đứng “hậu thuẫn” phía sau? Họ đã đầu tư tài chính, thậm chí mua cả dây chuyền sản xuất và hợp thức hóa bằng mô hình liên danh, liên kết để cùng nhau lập các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ trái quy định?!.
Thông tin mà báo chí từng phản ánh trước đó cũng đã phần nào chứng thực điều này khi ghi nhận có nhiều xe chở dăm gỗ chạy dọc trên tuyến đường Hồ Chí Minh và tập trung đổ hàng tại các Công ty TNHH Chế biến và XNK Lâm sản Xuân Sơn; Nhà máy chế biến gỗ Thành Nam; Nhà máy gỗ TCT... thuộc địa phận xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đó, một số xe khác lại chạy theo tuyến Quốc lộ 48D để vào khu vực Cảng Nghi Sơn và tập kết hàng ở đây chờ vận chuyển lên tàu đưa sang Trung Quốc thông qua các đơn vị xuất nhập khẩu đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bài cuối: Cần xử lý dứt điểm các vi phạm!