Hành trình khởi nghiệp của những “bóng hồng” xứ Nghệ
Kể về hành trình khởi nghiệp của bản thân, những “bóng hồng” xứ Nghệ không ít lần lặng mình, xúc động nhớ lại những ngày gian khó…
Chặng đường khởi nghiệp luôn phải đối mặt với đầy rẫy những chông gai, trắc trở, nhưng những người phụ nữ xứ Nghệ với một nghị lực phi thường, vẫn kiên cường, tận tâm, tận tụy chèo lái doanh nghiệp từng bước đi lên và gặt hái những thành công nhất định.
Nhớ lại những ngày gian khó…
Trong một lần trở về mảnh đất Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, tôi may mắn được gặp nữ doanh nhân Đặng Thị Tâm – Giám đốc Công ty CP An An Agri và được nghe chị chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình. Với vóc người nhỏ nhắn, mạnh khảnh, làn da trắng cùng khuôn mặt luôn rộn tiếng cười, không ai nghĩ đây là một người phụ nữ luôn cùng bà con nông dân tần tảo sớm hôm trên đồng ruộng.
Chị Tâm kể lại: Cuộc đời tôi trải qua nhiều chông gai, trắc trở, mẹ mất sớm, cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khốn khó, do đó tôi đã phải tự lập từ nhỏ. Mặc dù thi đỗ vào Học viện Báo chí và tuyên truyền, nhưng chỉ sau một năm học tập, thương người bố tần tảo, vất vả sớm hôm, tôi đã xin nghỉ học, quay trở về quê hương để theo học ngành kinh tế những mong sớm tìm được việc làm.
“Ra trường, tôi may mắn tìm được công việc ổn định ở TP Vinh, thu nhập cơ bản có thể tự nuôi sống được bản thân và đỡ đần người bố thân thương. Vậy nhưng, trong một lần quay trở lại ruộng đồng - nơi tôi sinh ra và lớn lên, một suy nghĩ bất chợt đã thay đổi cuộc đời tôi. Đó là làm sao bà con nông dân vơi bớt khó khăn, khổ cực, đó là làm sao đưa nông sản xứ Nghệ vươn rộng, vươn xa hơn nữa” – nữ doanh nhân Đặng Thị Tâm chia sẻ.
Nghĩ là làm, chị từ bỏ công việc ổn định trong cơ quan nhà nước, trở về quê nhà để khởi nghiệp từ việc chế biến, kinh doanh rau, củ, quả sạch. “Đây là một quá trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, sự chuyên tâm, kiên trì và bền bỉ rất lớn. Những ngày đầu lập nghiệp, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu công nghệ và biết bao tháng ngày dầm mưa dãi nắng cùng người nông dân trên cánh đồng rau nguyên liệu, nhưng bù lại tôi đã có được giống rau phù hợp chất đất và phát triển tươi tốt”, chị Tâm nói.
Không dừng lại ở đó, qua nhiều đêm trằn trọc mày mò nghiên cứu, đến năm 2017, vị nữ doanh nhân này đã quyết định chuyển hướng từ chế biến nông sản thành mì sợi thơm ngon, bổ dưỡng theo đúng tiêu chuẩn của thực phẩm hữu cơ.
Đó là một quy trình sản xuất rất chặt chẽ từ khâu tuyển chọn hạt giống, gieo trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn, thu hái và chế biến khép kín trong môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng vận dụng công thức một cách khoa học, bài bản mới tạo ra được sợi mì ngon ngọt tự nhiên, mang hương vị nguyên bản, thanh mát từ rau, củ và các loại thảo dược.
“Những ngày thu hoạch dưới ruộng ba giờ sáng để kịp chuyển về phòng thí nghiệm, những đêm gồng mình trên ghế cứng quên ăn, quên ngủ ấy là vì tôi muốn tạo ra loại bột mầm lúa mì hảo hạng. Và, vượt qua những khó khăn, vất vả cùng sự chuyên tâm đã giúp cho tôi tạo được thành công bước đầu với dự án sản xuất rau củ quả thảo dược hữu cơ, ứng dụng trong chế biến mì sợi”, chị Tâm nói.
Đến thời điểm hiện tại, “quả ngọt” đã đến với nữ doanh nhân Đặng Thị Tâm khi thu về lợi nhuận mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Chưa kể, chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 lao động và 80 lao động theo thời vụ, chủ yếu là chị em phụ nữ địa phương …
Nếm “vị ngọt” của muối
Quỳnh Lưu được mệnh danh là vựa muối của tỉnh Nghệ An, với diện tích hơn 600ha, 12 hợp tác xã. Sống tại đây, chị Trần Thị Hồng Thắm nhiều lần chứng kiến nỗi khổ cực, vất vả của “diêm dân” giữa nắng trời “đổ lửa”. Mặc dù nhọc nhằn mưu sinh là vậy nhưng họ lại không ít lần nếm “vị đắng” của muối khi được mùa thì mất giá, cuộc sống bấp bênh.
Càng theo dõi về nghề muối, chị Thắm phát hiện ra bà con đang lãng phí cực lớn một nguồn nguyên liệu quý, đó là “mật muối”. Đây là phần nước chảy ra từ hạt muối và là lượng nước còn sót lại trên bề mặt phơi ở những cánh đồng, thứ vẫn được bà con làm muối gọi dân dã là nước ót hay nước chạt. Nếu muối ăn thông thường thành phần chủ yếu là Natri thì trong “mật muối” là các khoáng chất như: Natri, Kali, Magie và khoảng 60 vi khoáng khác.
Nhận thấy tiềm năng từ “mật muối”, chị đã bàn bạc với gia đình và được chồng hết sức ủng hộ, đồng hành cùng chị để nghiên cứu, chế tạo thành công các loại máy móc đặc biệt, có chức năng phân tách đa tầng, giúp tách riêng từng loại vi khoáng có trong “mật muối”. Công nghệ này đã nhận được 3 bằng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công Nghệ và đây cũng chính là nền tảng quan trọng giúp chị hình thành sản phẩm muối mang thương hiệu NanoSalt.
“Công nghệ chế biến loại muối dinh dưỡng giảm mặn này có phần nguyên liệu đầu vào chỉ khoảng 10% là muối thô còn 80 - 90% đầu vào là mật muối, đồng nghĩa với việc giúp tận thu được từng giọt nước biển trên ruộng muối” - chị Thắm chia sẻ.
Riêng mật muối chảy ra từ muối vốn bị xem là chất dư thừa, người dân thường đổ bỏ sau quá trình làm muối nhưng doanh nghiệp của chị thu mua với mức giá 1.000 - 1.500 đồng/lít. Chỉ với công đoạn này, công ty của chị Thắm đã giúp thu nhập của người dân tăng lên 50% so với trước đây.
Năm 2022, các dòng muối giảm mặn đa khoáng mang thương hiệu NanoSalt chính thức ra mắt thị trường. Sau đó, sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An, với 16 mã sản phẩm, gồm 2 dòng chính là muối ăn và muối dược liệu - làm đẹp. Hiện tại, sản phẩm muối của nữ doanh nhân Trần Thị Hồng Thắm đã có mặt tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước với 45 đại lý và cửa hàng phân phối.
Ngoài những giá trị sức khỏe và kinh tế mang lại, công ty của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và 5 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; đồng thời giúp hơn 10.000 bà con “diêm dân” cùng 12 hợp tác xã làm muối tại Quỳnh Lưu có đầu ra ổn định, nguồn thu nhập tốt hơn, tạo nhiều sinh kế cho nghề muối truyền thống của địa phương.
Nữ doanh nhân Trần Thị Hồng Thắm bộc bạch chia sẻ, để có được thành công bước đầu như hôm nay, vợ chồng tôi phải trải qua hành trình vô cùng dài với nhiều chông gai và thử thách. Đó là khi “đi vào ngõ cụt” trong quá trình sáng tạo ra công nghệ phân tách đa tầng khoáng biển từ “mật muối”, đó là khi chúng tôi phải trằn trọc suy nghĩ, tìm cách quảng bá, tạo dựng thương hiệu. Vậy nhưng, chưa một lần chúng tôi nghĩ đến việc bỏ dự án khởi nghiệp này.
“Điều may mắn là vợ chồng tôi song hành cùng nhau trên hành trình khởi nghiệp. Khi tôi mệt mỏi luôn được chồng chăm lo, san sẻ, vỗ về động viên. Từng bước, từng bước một, kiên trì và chắc chắn, hai vợ chồng đã nỗ lực để cho người tiêu dùng thấy được giá trị của hạt muối phơi cát Quỳnh Lưu” – chị Thắm nói.