Nghiên cứu - Trao đổi

Cắt giảm giấy phép kinh doanh: Phân cấp thủ tục phải hiệu quả hơn

Gia Nguyễn 27/10/2024 04:30

Để góp phần giảm tải việc thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, một số ý kiến cho rằng, việc cắt giảm giấy phép kinh doanh phải phân cấp thủ tục hiệu quả hơn...

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 3.000 quy định kinh doanh tại 261 văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác và kiện toàn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động sự chung tay từ phía khu vực tư, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cải cách.

cat-giam-giay-phep-kinh-doanh-24.1.1.2.jpg
Theo kết quả khảo sát của EuroCham, một trong ba trở ngại lớn nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là khó khăn trong việc xin giấy phép - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, trong bức tranh nhiều điểm sáng của môi trường kinh doanh thì những thủ tục liên quan đến giấy phép vẫn được cho là rào cản, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Thực tế, kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố trong tháng 10/2024 cho thấy, một trong ba trở ngại lớn nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là khó khăn trong việc xin giấy phép.

Theo khảo sát, có 66% doanh nghiệp hiện đang sử dụng từ 1% đến 9% nhân viên là người nước ngoài, trong khi 6% doanh nghiệp có trên 20% nhân sự là người nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp thể hiện mong muốn khai thác tối đa tiềm năng từ nguồn lao động trong nước và quốc tế nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam.

cat-giam-giay-phep-kinh-doanh-24.1.1.3.jpg
VCCI cho rằng, việc cắt giảm giấy phép kinh doanh phải phân cấp thủ tục hiệu quả hơn - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, với các chuyên gia nước ngoài, EuroCham cho rằng, có những thách thức chủ yếu đến từ quy trình xin visa và giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí liên quan cao, kèm theo khó khăn trong việc xin các giấy tờ và phê duyệt cần thiết.

Đặc biệt, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có tới 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã trải qua những trải nghiệm không tích cực với hệ thống visa tại Việt Nam khiến nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại trong việc gia nhập thị trường lao động Việt Nam…

Không có vấn đề về giấy phép lao động, không ít ý kiến cũng cho hay, Việt Nam có thể thúc đẩy đáng kể đầu tư nước ngoài bằng cách đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục xin và gia hạn Giấy phép kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, một số quy định, thủ tục hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước thực tế đã nêu, tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết phê duyệt Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 – 2030 vừa qua, liên quan đến thời hạn giấy phép kinh doanh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc kéo dài thời hạn có hiệu lực của giấy phép sẽ góp phần giảm tải việc thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, qua rà soát văn bản, có nhiều loại giấy phép không cần thiết phải quy định thời hạn, cơ quan nhà nước có thể quản lý thông qua công cụ kiểm tra, thanh tra.

Do vậy, VCCI đề nghị Dự thảo cần bổ sung yêu cầu kéo dài hoặc bãi bỏ thời hạn có hiệu lực của giấy phép.

Về đẩy mạnh phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính, theo VCCI, Dự thảo chú trọng việc phân chuyển từ trung ương xuống địa phương - Điều này là hợp lý, tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc phân cấp các thủ tục hành chính này, doanh nghiệp chưa nhận thấy thuận lợi đáng kể, bởi vì thời gian giải quyết thủ tục hành chính vẫn như cũ. Điều này khiến cho việc phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính chưa thực sự hiệu quả.

Do đó, VCCI đề nghị bổ sung nội dung, việc phân cấp thực hiện thủ tục hành chính phải gắn với việc điều chỉnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Bởi vì phân cấp thẩm quyền sẽ giảm các tầng nấc trung gian giải quyết và khiến cho quy trình thủ tục thủ tục hành chính đơn giản hơn, đồng nghĩa thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ phải rút ngắn hơn.

Cũng theo VCCI, thực tế thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình soạn thảo và ban hành các phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về kinh doanh còn rất hạn chế.

Vì vậy, VCCI đề xuất bổ sung yêu cầu các bộ, ngành phải lấy ý kiến và có trách nhiệm giải trình rõ ràng trước cộng đồng doanh nghiệp về các phương án cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của các giải pháp.

Gia Nguyễn