Kinh tế địa phương

Cà Mau đồng bộ giải pháp, quyết liệt cải thiện Chỉ số PCI

Thùy Linh 26/10/2024 15:15

Tỉnh Cà Mau đã và đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, thu hút đầu tư, đưa kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2023 đạt 67,65 điểm (tăng 6,05 điểm), xếp thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 36 hạng), xếp thứ 6/13 (tăng 6 bậc) trong các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long so với năm 2022; nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố thuộc nhóm có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI cả nước.

H-CF (1)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình “Cà phê kết nối doanh nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2024”, sáng ngày 26/10/2024.

Kết quả PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 cho thấy những nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp được giao trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua.

“Kết quả PCI của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực về thứ hạng, điểm số so với các tỉnh, thành phố cả nước và khu vực ÐBSCL. Ðặc biệt là sự dịch chuyển vào TOP các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCIcủa cả nước năm 2023” - ông Nguyễn Đức Thánh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Một trong những điểm quan trọng làm nên kết quả vượt bậc, đó chính là 6 chỉ số thành phần có điểm số cao hơn điểm số trung vị cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là Chỉ số “Tính năng động và tiên phong của chính quyền” từ vị trí xếp hạng 61/63 tỉnh, thành, đã nhảy vọt lên đứng thứ 9 trên cả nước. Ðây cũng là chỉ số tăng hạng cao nhất của tỉnh, với 52 bậc. Với thứ hạng này cho thấy, UBND tỉnh Cà Mau đã linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Ðồng thời, địa phương đã năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Theo ông Nguyễn Đức Thánh, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu, thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin giữa chính quyền và cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. đặc biệt, tỉnh đã tổ chức có hiệu quả buổi gặp gỡ trao đổi thông tin giữa lãnh đạo UBND tỉnh với doanh nghiệp tại các buổi "Cà phê kết nối doanh nghiệp".

Tỉnh Cà Mau đã thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương thường xuyên rà soát những khó khăn, vướng mắc của dự án để hỗ trợ, giải quyết tháo gỡ cho nhà đầu tư thực hiện, đặc biệt các thủ tục về đất đai, thủ tục đầu tư...

Tỉnh Cà Mau cũng chủ động nghiên cứu chính sách, văn bản của Trung ương, kịp thời kiến nghị hoặc chỉ đạo các đơn vị liên quan kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có ý kiến chỉ đạo hoặc hướng dẫn thực hiện những vấn đề phát sinh còn bất cập, chồng chéo của quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian qua, công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện cải cách hành chính cũng được các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau triển khai bài bản, bám sát thực tiễn, phát huy hiệu quả. Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được quan tâm, có nhiều đổi mới. Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh; cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư đều được rút ngắn thời gian giải quyết từ 20% đến 30% so với thời gian quy định.

5305.jpg
Các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư đều được rút ngắn thời gian giải quyết từ 20% đến 30% so với thời gian quy định.

Cải cách thủ tục hành chính ở Cà Mau có sự khởi sắc, đổi mới, tinh gọn, nâng cao về chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Tỉnh thực hiện chuyển đổi sốtrong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, rút ngắn thời gian trả kết quả, tạo được niềm tin và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy công vụ liên quan đến cải cách hành chính từ tỉnh đến cơ sở.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI, PGI) năm 2024 vào tháng 6/2024, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, đánh giá, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng tỉnh Cà Mau ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, qua so sánh 2 năm, Cà Mau có 8 lĩnh vực chuyển biến tích cực. Đây là sự thay đổi mang tính bền vững, trong đó tính năng động của chính quyền nằm trong tốp 10 cả nước. Điều đó cho thấy, chính quyền Cà Mau rất quan tâm đến doanh nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, việc chuyển đổi số trong thủ tục hành chính mang lại tác động tốt; cải cách hành chính, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được duy trì ở mức cao; thủ tục đăng ký doanh nghiệp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thủ tục cấp phép ngành nghề kinh doanh có điều kiện có cải thiện….

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Cà Mau năm 2024 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Cà Mau chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Cà Mau chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau, tháng 12/2023.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là tiếp tục cải thiện thứ hạng và điểm số chỉ số PCI, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi, đồng hành và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nâng cao trách nhiệm, tính năng động, chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý điều hành của các cấp, các ngành trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Phấn đấu năm 2024 và những năm tiếp theo kết quả PCI tỉnh Cà Mau tiếp tục phát huy về thứ hạng, điểm số và duy trì ở nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trên bản đồ PCI của cả nước.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo tỉnh Cà Mau sẽ tập trung cải thiện mạnh 04/10 chỉ số thành phần: Tính minh bạch; thiết chế pháp lý; đào tạo lao động; chi phí không chính thức thuộc nhóm có điểm số thấp hơn điểm số trung vị cả nước.

Duy trì và phát huy 06/10 chỉ số thành phần: Tính năng động và tiên phong của chính quyền; gia nhập thị trường; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp cận đất đai; chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước; cạnh tranh bình đẳng thuộc nhóm có điểm số cao hơn điểm số trung vị cả nước.

Chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần chiếm trọng số cao trong tính điểm PCI gồm các chỉ số: Chi phí không chính thức; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tính năng động của chính quyền tỉnh; phấn đấu cải thiện 30/142 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra trong năm 2024.

Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật...

“Trên tinh thần phục vụ, Cà Mau lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm động lực phấn đấu phát triển, luôn xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và khó khăn thì cùng nhau tháo gỡ, chia sẻ hài hoà” - ông Nguyễn Đức Thánh nhấn mạnh.

Cà Mau hiện có trên 5.200 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 63.800 tỷ đồng. Đa số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, khí - điện - đạm, du lịch… Các mặt hàng thủy sản của Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia (kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm trên 1.000 triệu USD), trong đó có những thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Mỹ và EU. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 800MW, trong đó: 170MW đã vận hành thương mại; 1.217 công trình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 111MWp. Sản lượng phân bón hàng năm đạt trên 1 triệu tấn. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 460 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 147.000 tỷ đồng (trong đó có 11 dự án FDI, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 161 triệu USD).

Thùy Linh