Mở lối huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư công
Không còn giới hạn lĩnh vực đầu tư và vốn cho dự án PPP là những đề xuất quan trọng nhằm tạo cơ chế mở, thông thoáng để huy động tối đa nguồn lực tư nhân.
Đề xuất trên cũng là một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Luật Đấu thầu (gọi tắt là Một luật sửa 4 luật) được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP, có 31 dự án mới đang được triển khai và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP. Đây đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ vốn nhà nước.
Các dự án PPP mới triển khai theo quy định của Luật PPP dự kiến sẽ hình thành khoảng 1000km đường cao tốc, 2 cảng hàng không tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án theo quy định của Luật PPP còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, Luật PPP cho phép 5 lĩnh vực nhưng đến nay các dự án PPP chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải là chính.
Ngoài ra, quy mô vốn đầu tư tối thiểu thực hiện dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; hạ tầng công nghệ thông tin là 200 tỷ đồng. Riêng dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo và dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.
Nhưng thực tế, về lĩnh vực đầu tư, một số bộ, ngành, địa phương có tiềm năng và điều kiện thu hút đầu tư theo phương thức PPP trong một số lĩnh vực khác song lại vướng bởi chưa được quy định tại Luật PPP. Trong khi, một số địa phương đã được áp dụng phương thức PPP đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, đầu tư xây dựng chợ... theo các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù.
Về hạn mức vốn, thực tiễn cho thấy, quy định trong luật đưa ra là khá cao đối với y tế, giáo dục. Như vậy, chưa tạo cơ chế mở, thông thoáng để huy động tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân phù hợp với điều kiện của từng ngành, địa phương, nhất là đối với các dự án có quy mô nhỏ.
Từ những bất cập trên thực tiễn như vậy, nhằm đa dạng hoá các lĩnh vực có tiềm năng và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thu hút đầu tư theo phương thức PPP của một số ngành, địa phương, một số quy định trong Luật PPP đã được xem xét sửa đổi tại dự thảo Một luật sửa 4 luật.
Theo đó, quy định mới sẽ khuyến khích thực hiện phương thức PPP với tất cả dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Để khuyến khích tư nhân tham gia các dự án PPP, việc sửa đổi luật sẽ bổ sung quy định áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này.