Tìm giải pháp thúc đẩy ngành logistics chuyển đổi để bứt phá
Được nhận định là có nhiều tiềm năng thị trường, nhưng ngành logistics đang phải giải quyết những vấn đề cấp bách nhất.
Một số vấn đề cấp bách nhất của ngành logistics như hiện đại hóa hạ tầng, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, và phát triển các mô hình kinh doanh mới… Tất cả đã được mổ xẻ tại Hội nghị Logistis Việt Nam 2024 vừa diễn ra.
Theo dự báo về triển vọng thị trường của Precedence Research, quy mô thị trường logistics toàn cầu có thể đạt 21,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 9,35% cho giai đoạn 2024 – 2033.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển lĩnh vực quan trọng này, nhờ vậy năng lực và thứ hạng của ngành logistics của Việt Nam đã có cải thiện tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận năm 2023 Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN. Theo Bảng xếp hạng về Chỉ số thị trường mới nổi của Agility - Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới, năm 2023 Việt Nam đứng vị trí thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu, tăng một bậc so với năm trước.
Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14% - 15%, quy mô 40 - 42 tỷ đô la Mỹ một năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng đã không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp trong thời gian qua. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu đã cải thiện đáng kể. Các kết quả trên đã góp phần quan trọng đưa ngành logistics của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Mặc dù ngành logistics của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Về chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ đối với ngành logistics. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics như kho hàng, bến bãi, trung tâm logistics còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa hình thành được các hành lang vận tải đa phương thức thông suốt, còn thiếu các trung tâm logistics ở vị trí chiến lược, kết nối với hệ thống cảng, sân bay, đường bộ và cơ sở sản xuất. Doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh còn yếu, thường đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các tập đoàn nước ngoài. Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành logistics còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thiếu các nhân sự logistics trình độ cao, có năng lực ứng dụng và triển khai các công nghệ mới tại các doanh nghiệp.
"Những tồn tại, hạn chế nêu trên đang đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong việc phát triển ngành logistic trong thời gian tới", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết.
Bên cạnh đó, thế giới ngày hôm nay đang chứng kiến những biến động phức tạp về an ninh, địa chính trị và sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số như Dữ liệu lớn (Big Data), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI) v.v. đem đến những thách thức không nhỏ cho ngành logistics Việt Nam. Các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới xảy ra gần đây đã làm trầm trọng thêm sự đứt gãy các chuỗi cung ứng vốn chưa được hồi phục sau đại dịch Covid-19, khiến gia tăng chi phí và giảm đơn hàng của các doanh nghiệp logistics.
"Các doanh nghiệp logistics muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội lớn khi các doanh nghiệp được thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn. Theo đó, doanh nghiệp nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các doanh nghiệp khác, cũng như quốc gia nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các quốc gia khác", ông Đỗ Thành Trung nhận định.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nắm bắt, ứng dụng được các công nghệ mới, tận dụng được những tiềm năng sẵn có của đất nước và những cơ hội khách quan mang lại để có đủ sức cạnh tranh cả ở trong nước và quốc tế, để đưa ngành logistics của Việt Nam phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của mình?
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cho rằng, các bộ, ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp cần phối hợp triển khai các cái nhiệm vụ, giải pháp như:
Về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics. Tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch về hạ tầng giao thông vận tải để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối của hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu cũng như Chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Về phát triển nguồn nhân lực, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương, các địa phương, các trường đại học, dạy nghề và các doanh nghiệp trong việc xác định các nhu cầu về lao động, giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn về nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị trong lĩnh vực này.
Về phía các doanh nghiệp logistics, cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao biết sử dụng các công nghệ mới. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.
Với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá”, Hội nghị Logistic Việt Nam 2024 thu hút hơn 300 khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong ngành; các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics; các doanh nghiệp sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau hiện đang thuê nhà xưởng và kho bãi, các đơn vị tư vấn hàng đầu về logistics và chuỗi cung ứng và các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế.