Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản: Vẫn còn những băn khoăn
Dù đã có những tiếp thu, chỉnh lý sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tuy nhiên, nhiều nội dung tại Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản vẫn còn những băn khoăn…
Theo đó, Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 12 Chương, 116 Điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Dự thảo Luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.
Nhìn nhận về nội dung Dự thảo Luật này, một số ý kiến cho hay, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã phần nào đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng mới, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các quy định trong bản Dự thảo vẫn bộc lộ những nội dung cần được hoàn chỉnh hơn nữa…
Góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật này vừa qua, nhiều ý kiến thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Dự thảo vẫn còn một số điểm chưa hợp lý như: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất và khoáng sản; căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; nguyên tắc cấp giấy phép khai thác khoáng sản; quy định chung về khai thác khoáng sản nhóm IV; khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản…
Còn theo các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, khoản 2, Điều 6 quy định Chính phủ quy định danh mục khoáng sản theo nhóm, quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng. Nội dung này nên nghiên cứu quy định cụ thể tại Điều 6 Dự thảo Luật để thuận tiện, đảm bảo cơ sở pháp lý khi triển khai khi luật ban hành, bởi, danh mục khoáng sản theo 4 nhóm là căn cứ để xác định thẩm quyền lập quy hoạch, thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác… nếu trường hợp Nghị định ban hành chậm sẽ gây khó khăn, tạo “khoảng trống” pháp lý khi triển khai thi hành luật.
Bên cạnh đó, đối với Điều 12 Dự thảo luật về quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất và khoáng sản, các đại biểu thống nhất phương án 1 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch khoáng sản đối với khoáng sản nhóm I, khoáng sản nhóm II. Bởi, việc này nhằm thực hiện thống nhất chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản, thực hiện đồng bộ các khâu quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác, thanh tra, kiểm tra... hoạt động khoáng sản.
Ngoài các nội dung đã nêu, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc lại quy định tại Điều 15 Dự thảo luật về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; Điều 68 Dự thảo Luật về thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản.
Thực tế trước đó, tại phiên Thẩm tra Dự án Luật này để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức đầu tháng 10 vừa qua, góp ý Dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng, đối với quy hoạch khoáng sản, trong Dự án Luật Địa chất và khoáng sản cần có quy định đặc thù trong việc vừa quy hoạch khoáng sản nhưng vẫn bảo đảm cơ chế pháp lý để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện quy định sử dụng đất đa mục tiêu theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với quyền khai thác khoáng sản, các đại biểu khẳng định, khoáng sản là một loại tài sản đặc thù phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cùng một loại khoáng sản nhưng chất lượng khoáng sản khác nhau, quy mô khoáng sản khác nhau, điều kiện địa chất tại khu vực khai thác khoáng sản khác nhau. Điều kiện địa lý tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện xã hội ở từng khu vực khác nhau dẫn đến giá trị về quyền khai thác khoáng sản khác nhau. Do đó, căn cứ để đưa ra quy định chung về định giá giá trị quyền khai thác khoáng sản là hết sức phức tạp, không thể đúng với tất cả các trường hợp.
Đồng thời, về phân nhóm khoáng sản, có ý kiến đề nghị cần phân định rõ ràng các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong công tác quản lý và tránh tạo kẽ hở pháp luật có thể dẫn đến những sai phạm, thất thoát và lãng phí; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay.